Phần lớn các thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu đều "nóng" trong tuần qua, riêng giá dầu thô đã có lúc lên mức cao nhất trong 9 tháng gần đây, trong bối cảnh biến động của tiến trình dẫn tới gói tài chính giải cứu lần thứ hai dành cho Hy Lạp. Việc bơm tiền là nhằm tăng tính thanh khoản của một số ngân hàng trung ương và những căng thẳng địa chính trị gia tăng xung quanh Iran.
Giá dầu đã đi lên trong phần lớn các phiên trong tuần và trong phiên cuối tuần 24/2, giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc đã chốt phiên ở mức 109,77 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 5/2011. Trước đó đúng một phiên, ngày 23/2, giá dầu Brent Biển Bắc cũng chinh phục đỉnh cao tương tự là 125,47 USD/thùng.
Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những phiên tới do tình hình xung quanh Iran - nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - còn tiếp tục căng thẳng.
Giá dầu đã đi lên trong phần lớn các phiên trong tuần qua. |
Iran hiện đang phải gánh chịu các lệnh trường phạt kinh tế do Mỹ, LHQ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với lý do nước này từ chối chấm dứt các hoạt động làm giàu uraniu. Têhêran một mực khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ đơn thuần nhằm phục vụ các mục đích hòa bình. Chủ nhật tuần trước nữa (ngày 19/2), Têhêran tuyên bố nước này tạm ngừng bán dầu mỏ sang cho hai nước Anh và Pháp sau khi đã cắt giảm trước đó, nhằm đáp trả lệnh cấm nhập khẩu dầu Iran của EU, mặc dù lệnh cấm này dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7/2012.
Động thái trên dù chủ yếu mang tính biểu trưng, song được nhìn nhận như một mũi tên của Iran cảnh báo các quốc gia EU khác - những khách hàng tiêu thụ dầu mỏ của Iran còn lớn hơn cả Đức và Pháp, trong đó có Italia, Tây Nha và Hy Lạp.
Ngoài những căng thẳng quanh Iran, nguồn cung dầu toàn cầu còn bị ảnh hưởng do sản lượng sụt giảm tại các nước sản xuất dầu khác là Nam Xuđăng, Xyri và Yêmen. Còn tại Libi, sản lượng cũng vẫn chưa đạt được tới mức vào trước cuộc chiến tại nước này. Trong khi đó, các cuộc bạo loạn vẫn lan rộng ở cả Trung Đông, Bắc Phi và Nigiêria - những "rốn dầu" của thế giới. Thêm vào đó, việc cung cấp dầu tại vùng Biển Bắc cũng hết sức thất vọng. Theo các nhà phân tích, tình hình liên quan đến nguồn cung dầu mỏ hiện nay rất xấu và nếu tất cả những vấn đề trên chưa thể được giải quyết thì giá dầu sẽ còn tiếp tục "phi mã" trong những ngày tới.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/2, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI), giao tháng 4/2012 tăng gần 2 USD so với phiên trước đó lên 109,77 USD/thùng, tăng mạnh so với mức giá chốt tuần trước nữa là 102,83 USD/thùng. Còn tại thị trường Luân Đôn, giá dầu chuẩn Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng tiếp 1,85 USD so với phiên liền trước, kết phiên ở mức 123,83 USD/thùng, sau khi đã có lúc leo lên mức cao nhất 9 tháng qua là 125,47 USD/thùng. Kết thúc tuần trước nữa, giá dầu hợp đồng này chốt ở mức thấp hơn là 119,32 USD/thùng.
TTXVN/ Tin Tức