Kể từ đầu năm nay, giá cổ phiếu của nhóm Magnificent Seven tăng trung bình 55%, trong khi của nhóm 7 cổ phiếu có mức tăng mạnh ở châu Âu là Eurostars và nhóm cổ phiếu của các tập đoàn định hướng tiêu dùng là GRANOLAS đang bị bỏ xa phía sau, đạt mức tăng trung bình khiêm tốn lần lượt là 7,6% và 0,6%.
Khoảng cách giữa thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu còn vượt ra ngoài các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn ở châu Âu, với chỉ số S&P 500 tăng 25% từ đầu năm đến nay, so với mức tăng chỉ 5% của chỉ số Stoxx 600.
Nhà quản lý danh mục đầu tư và là chiến lược gia đầu tư tại Aegon Asset Management, Jordy Hermanns, cho rằng có một số yếu tố khiến hai thị trường ở hai bờ Đại Tây Dương có khoảng cách lớn như vậy.
Ông Hermanns chỉ ra rằng lĩnh vực công nghệ và AI vẫn tạo động lực mạnh mẽ, đưa giá cổ phiếu của các tập đoàn trong nhóm Magnificent Seven liên tục tăng.
Theo chuyên gia này, sự kém hiệu quả của chứng khoán châu Âu chủ yếu xuất phát từ sự khác biệt về cơ cấu thị trường và những trở ngại bên ngoài.
Giá cổ phiếu của nhóm Magnificent Seven, bao gồm các tập đoàn công nghệ như Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla, tăng mạnh nhờ sự bùng nổ về AI và ứng dụng AI vào các lĩnh vực.
Ông Hermanns nói động lực đến từ AI về cơ bản không có ở chứng khoán châu Âu. Nếu không có luồng gió AI, chứng khoán châu Âu thiếu chất xúc tác đã đưa thị trường chứng khoán Mỹ lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó, các công ty hàng đầu châu Âu cũng đang phải đương đầu với những thách thức đặc thù của khu vực.
Các công ty đa quốc gia châu Âu có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn và căng thẳng địa chính trị kéo dài đang làm giảm nhu cầu. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng xa xỉ và tập đoàn LVMH của Pháp vốn phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng Trung Quốc.
Ngoài ra, những bất ổn địa chính trị, bao gồm cả các chính sách thương mại dưới thời chính quyền mới của Mỹ, đã gây sức ép lên các doanh nghiệp châu Âu.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu và các thương hiệu hạng sang có thể phải đối mặt với những rào cản mới nếu các đề xuất về thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được thực thi. Ông Trump đã đề xuất áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và 10% đối với hàng hóa từ các nước khác.
Cho dù là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, rủi ro thuế quan hay việc thiếu đi sự bùng nổ nhờ AI, con đường phía trước của các công ty có giá trị vốn hóa lớn ở châu Âu dường như không hề bằng phẳng.