Tại cuộc họp Sơ kết xuất khẩu gạo 11 tháng được tổ chức ở Tiền Giang ngày 5/12, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11, số lượng gạo đăng ký hợp đồng xuất khẩu đạt 7,352 triệu tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ 2010; lượng gạo đã xuất khẩu đạt 6,735 triệu tấn, đạt 3,29 tỉ USD; số lượng hợp đồng còn lại giao từ tháng 12/2011 là 617.000 tấn, trong đó hợp đồng tập trung là 437.000 tấn, hợp đồng thương mại là 180.000 tấn.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty lương thực Đồng Tháp. Ảnh Đình Huệ- TTXVN |
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA nhận định: tình hình thị trường đang trong giai đoạn đặc biệt, giá gạo Thái Lan hình thành từ giá lúa can thiệp khoảng 800 USD/tấn, giá gạo cũ tồn kho của Thái đang giao dịch 600 USD/tấn.
Còn giá gạo Việt Nam đang giao dịch mức 550 USD/tấn; giá gạo Ấn Độ, Pakistan giao dịch ở mức 440-450 USD/tấn. Do chênh lệch quá cao giữa các nguồn nên thị trường có sự chuyển hướng mạnh, hầu như nhu cầu tập trung vào Ấn Độ và Pakistan, trừ những hợp đồng giao hàng nhanh và nghiêm khắc về chất lượng mà Ấn Độ và Pakistan không có khả năng đáp ứng. Do đó thị trường Thái Lan và Việt Nam đang rất yên tĩnh.
Phân tích từ VFA cho thấy, trên thị trường xuất khẩu gạo, Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu với giá ngày càng rẻ, do tồn kho quá mức cộng với giá giảm do đồng Rupi mất giá so với đồng đô la Mỹ. Mặc dầu khả năng giao hàng ước tính 400.000 tấn/tháng vẫn chưa thể thay thế gạo Thái Lan và Việt Nam, song nguồn cung cấp dồi dào và giá rẻ là yếu tố chính tác động đến thị trường hiện nay. Gạo Việt Nam trước mắt chưa thể cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan do giá trong nước còn ở mức cao, nhưng bù vào đó là có thể lấp khoảng trống do Thái Lan để lại với gạo cao cấp là gạo thơm và gạo trắng 5% tấm. Tuy nhiên, VFA nhận định Thái Lan cũng sẽ tăng cường xuất khẩu qua con đường hợp đồng chính phủ để giải quyết tồn kho và có thể ảnh hưởng đến thị trường tập trung của Việt Nam.
Đối với thị trường nhập khẩu, Indonesia đã hết quota nhập khẩu trong năm 2011, có thể bổ sung thêm một ít nhưng chỉ nhập đến tháng 2/2012 và có thể nhập khẩu trở lại vào tháng 8/2012. Trong khi đó Malaysia đang nhập hợp đồng đã ký nhưng chưa mua thêm đến tháng 2/2012.
Với thị trường trong nước, đại diện một doanh nghiệp gạo tại An Giang cho biết, giá gạo đang giảm và trở về với giá thật, nếu cứ duy trình ở tình hình này thì giữa gạo Việt Nam và Ấn Độ, Pakistan chênh lệch chỉ 50 USD/tấn, đây là giá có thể chấp nhận được do gạo Việt Nam chất lượng cao hơn. VFA dự báo tháng 12 có thể sẽ có thêm một số hợp đồng được ký, nhưng từ Noel trở đi do nghỉ Tết nên các giao dịch sẽ không có, nhất là đối với gạo thương mại./.
Liên Phương