Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm mang lại thu nhập cho hàng chục triệu con người.
Từ câu chuyện trong đại dịch vừa qua có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.
“Sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân là niềm tin để phát triển chiến lược “Tam nông” căn cơ hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đánh giá, trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ. Đất nước ta phát triển phần lớn bắt đầu từ nông nghiệp. Người Việt Nam phần lớn sinh ra từ nông thôn, đây là nền tảng gốc rễ xã hội Việt Nam. Quá trình công nghiệp hoá là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch…
Thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn. Nhưng nông nghiệp cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.
“Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này”, ông Vũ Tiến Lộc chỉ ra.
Về mục tiêu tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 là từ 2,5 - 2,8%, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương, tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistics cung ứng thế giới... tuy nhiên dư địa của ngành vẫn còn và chúng ta có niềm tin.
Trong bối cảnh đó, nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, ngành nông nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.
“Chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp phải có tinh thần doanh nhân trong doanh nghiệp, phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp.
Nguồn lực cho sự phát triển nông nghiệp là nguồn lực về văn hóa, vốn xã hội vô cùng lớn, cần phát huy yếu tố này. Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Tác động của kinh tế số có thể đưa một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp; phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ, nhỏ phải liên kết lại với nhau, cái nhỏ kết nối sẽ thành chuỗi lớn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc, nhất là do tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua. Mô thức hoạt động trong xã hội mùa COVID-19 người ta chia nhỏ ra nhiều hơn.
Ví dụ, việc chia nhỏ một nhà máy lớn thành nhiều nhà máy nhỏ, nếu công nhân bị F0, họ sẽ đóng cửa một chỗ còn những nhà máy khác vẫn hoạt động được. Bản chất là chia nhỏ những mô thức. Nông nghiệp cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch.
Hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp. Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Hợp tác xã là chỗ để Nhà nước hỗ trợ, Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể mà qua kinh tế tập thể. Đến một ngày nào đó, hợp tác xã sẽ ngồi ngang hàng với các doanh nghiệp để đàm phán những vấn đề liên kết.
Về phát triển nông nghiệp đa giá trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra, bên cạnh giá trị hữu hình của một trái cam, quýt, xoài… là giá trị vô hình từ tài nguyên bản địa, văn hóa bản địa, văn hóa của người dân tộc, lịch sử của địa phương. Khi tích hợp lại tạo ra giá trị làm cho đồ thị tăng theo chiều thẳng đứng chứ không theo chiều ngang.
Phát triển nông nghiệp không chỉ dựa trên nông sản nữa mà còn là nền văn hóa, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tích hợp thành ngành du lịch, lúc đó nông nghiệp không còn là câu chuyện mua bán nữa mà phát huy được những vấn đề văn hóa, lịch sử.
Nền nông nghiệp nước ta có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công, nhập khẩu giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu… nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh chưa vào được phân khúc cao thị trường.
Với điều kiện tự nhiên nước ta, có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nên phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn. Trước hết phải thay đổi tư duy của người nông dân. Tất cả nông dân bây giờ đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Người nông dân cần có tinh thần của người kinh doanh.
Hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực đang rất yếu, chỉ khoảng 4% nông dân có đào tạo về kỹ thuật chuyên môn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu nông nghiệp không chuyên nghiệp thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn. Quốc hội đang bàn Luật Bảo hiểm, trong đó có đặt vấn đề bảo hiểm nông nghiệp. Nhưng không thể áp dụng bảo hiểm nông nghiệp nếu một nền nông nghiệp không chuyên nghiệp, nếu người nông dân không chuyên nghiệp.
Với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng có thể hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận được với kiến thức, thông tin; được đào tạo, tư vấn, hỗ trợ… Qua đó, có thể đào tạo cấp tập, nâng cao kiến thức của nông dân.
Khuyến nông trước đây chỉ là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cho nên rất nhiều mô hình khuyến nông làm được một thời gian thì mất. “Khuyến nông giờ không chỉ cung cấp giống, kỹ thuật mà còn cung cấp tri thức, kiến thức mới về chế biến, công nghệ, tìm kiến thị trường, xây dựng thương hiệu… Chúng ta phải tổ chức lại, tìm điều mới cho cộng đồng nông dân. Phải “khai tâm” để người dân thay đổi, sau đó là “khai trí”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.