'Festival quốc tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long'

Triển lãm Festival quốc tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 9 - 13/3 tại thành phố Cần Thơ, với lần đầu tiên một Festival về nông nghiệp tập trung cụ thể vào khoa học công nghệ.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Đây là nội dung được thông tin tại buổi công bố Triển lãm, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 15/2 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trước đây nhiều sự kiện về nông nghiệp được các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, nhưng một sự kiện tập trung vào khoa học công nghệ là một nét mới.

Ngoài sự phối hợp của các bộ, ngành còn có sự phối hợp tổ chức của 13 tỉnh, thành trong khu vực, sẽ hướng đến cách làm, hướng đi cụ thể nhằm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Theo Ban tổ chức, hiện nay đã có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc; đồng thời đang liên hệ, kết nối với các quốc gia khác.

Trong 5 ngày diễn ra, triển lãm có nhiều nội dung quan trọng: Triển lãm những công nghệ, sản phẩm với quy mô từ 300 - 500 gian hàng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và liên quan nông nghiệp; Chương trình "Kết nối cung cầu”; Trao huy chương vàng "Khoa học nông nghiệp sáng tạo".

Một điểm nhấn của Triển lãm là Hội thảo về “Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp”, nhằm tăng cường liên kết hợp tác và đặt hàng các công nghệ, sản phẩm, giải quyết những vấn đề quan trọng trong đầu tư phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) chia sẻ, khoa học công nghệ đã được ứng dụng rất nhiều vào nông nghiệp trong vùng, nhất là các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây với các sản phẩm từ nghiên cứu công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ khí… Các sản phẩm từ hướng đi này cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.


Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả như mong muốn vẫn là bài toán khó. Bà Phan Thị Mỹ Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt cho rằng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp vẫn là nỗi lo lớn vì đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới cạnh tranh.

Do đó, sự kiện lần này muốn kêu gọi các nhà khoa học, nhà đầu tư hợp tác phát triển khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm các nước; từ đó hướng bà con nông dân đầu tư đúng hướng.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, nơi nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái chính của cả nước; nơi triển khai nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến. Hiện vùng đóng góp hơn 40% tổng giá trị về sản xuất nông nghiệp của cả nước. Đây cũng là nơi khởi xướng nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả và được nhân rộng ra cả nước.

Vũ Tiến Lực (TTXVN)
Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Gia Lai
Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Gia Lai

Trên cơ sở đánh giá năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng phối hợp của người dân cùng với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đã đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN