FED sẽ không vội vàng rút QE

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị có Chủ tịch mới. Nhưng dù ai làm người đứng đầu, FED cũng khó rút chính sách nới lỏng định lượng (QE) một cách vội vàng.

QE được ví như phao cứu sinh của kinh tế Mỹ. Ảnh: Internet


Ngay trước thềm hội nghị FED bàn về vấn đề lãi suất, bao gồm cả khả năng rút QE, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có phiên tăng điểm ấn tượng. Tất cả là do ông Summers, một trong những ứng cử viên sáng giá cho chức Chủ tịch FED, rút lui khỏi cuộc đua.

Nhân vật này là người đã chỉ trích gay gắt chính sách QE của FED, cho nên, thị trường lo ngại nếu ông Summers nắm quyền điều hành, FED sẽ đẩy nhanh tốc độ rút QE.

Sau khi ông Summers rút lui, dư luận dồn sự chú ý vào thái độ của các ứng cử viên khác đối với vấn đề QE, gồm: Phó Chủ tịch đương nhiệm của FED, bà Janet Yellen, cựu Phó chủ tịch FED Roger Ferguson và cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner. Tuy nhiên, dù ai lên nắm quyền điều hành FED, quyết định rút QE sẽ không thể đưa ra một cách vội vàng.

Thứ nhất, kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng hồi phục yếu ớt, tỉ lệ thất nghiệp tháng 8 của Mỹ tuy chỉ còn 7,3%, là mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua, nhưng tỉ lệ tham gia lao động lại rớt xuống mức thấp nhất trong 35 năm, chỉ còn 63,2%. Điều đó có nghĩa hơn 7 triệu người ở độ tuổi lao động ở Mỹ không tìm kiếm được việc làm.

Nếu FED rút QE quá nhanh sẽ khiến lãi suất trên thị trường tăng mạnh, giáng đòn nặng nề vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng như mong muốn tiêu dùng của người dân, càng gây sức ép lớn hơn đối với vấn đề việc làm, từ đó bóp chết sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

Thứ hai, tuy FED nói rằng QE chỉ phục vụ cho nước Mỹ, nhưng trên thực tế, việc FED thực hiện QE đã khiến dòng tiền lan tràn khắp nơi. Nếu FED rút QE, dòng tiền sẽ phải quay trở về Mỹ, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nước, đặc biệt là các nước thị trường mới nổi.

Một trong những động lực phục hồi của kinh tế Mỹ là kích thích xuất khẩu và chấn hưng ngành chế tạo. Đầu năm 2010, Tổng thống Barack Obama đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ vào năm 2015, đạt khoảng 3.100 tỉ USD, hỗ trợ tạo thêm khoảng 2 triệu việc làm.

Nếu nền kinh tế các nước thị trường mới nổi phải chịu tác động tiêu cực từ việc FED rút QE, nhu cầu vào hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sẽ bị thu hẹp, càng gia tăng tính không xác định đối với sự hồi phục của kinh tế Mỹ.

Về mặt chính trị, có dư luận cho rằng cái mà ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm mong muốn là thúc đẩy FED tiếp tục thực hiện QE để trợ giúp kinh tế chứ không phải là nhanh chóng rút QE.

Trong bối cảnh uy tín của ông Obama giảm mạnh, bất cứ hành động nào làm tổn thương tới kinh tế đều sẽ khiến vấn đề trầm trọng hơn và khó nằm trong phạm vi mong muốn của ông Obama.

Nói tóm lại, dù tân Chủ tịch FED là ai thì người đó đều phải do Nhà Trắng đề cử. Với sự bó buộc bởi các nhân tố kinh tế và chính trị, tân Chủ tịch FED rất có thể sẽ phải đi theo lộ trình rút QE mà người tiền nhiệm đề ra.

Đó là kết thúc QE, ngừng chương trình mua trái phiếu trong năm 2014 chứ không phải trong năm 2013 này, sớm nhất sẽ tăng lãi suất vào năm 2015, mức độ như thế nào phải được xem xét cẩn trọng.


Thành Nam

Hậu QE3 sẽ lại là QE?
Hậu QE3 sẽ lại là QE?

Vấn đề quan tâm hiện nay là hành động của FED sẽ tác động như thế nào đối với thị trường chứng khoán vốn được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế và liệu một phiên bản QE mới sẽ lại xuất hiện khi kinh tế Mỹ phục hồi yếu ớt?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN