Gần đây, giá đường thương phẩm tại tỉnh Hậu Giang đang có chiều hướng tăng, các doanh nghiệp, nhà máy đường rất phấn khởi tích cực đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cần thiết vào vụ ép mới. Tuy nhiên, người trồng mía chưa được hưởng lợi bởi giá thu mua mía nguyên liệu, ký kết bao tiêu sản phẩm đầu ra còn thấp.
Giá đường bán tại Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đang ở mức 13.000-13.200 đồng/kg, tăng từ 100-200 đồng/kg so với cuối tháng 7. Giá đường bán tại các chợ mức 15.000 đồng/kg, cũng tăng 2.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới phía Nam đã giảm trong thời gian gần đây, nên giá đường trong nước bắt đầu nhích lên là điều kiện để các nhà máy giảm lượng đường tồn kho. Hiện Casuco còn tồn kho khoảng 18.000 tấn đường, nhiều hơn khoảng 3.000 tấn so với cùng kỳ. Lượng đường tồn kho của các nhà máy trên cả nước hiện gần 700.000 tấn, cao kỷ lục từ trước đến nay.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước năm 2014 dự báo sẽ tăng 15% so với năm 2013, ước tính khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó các doanh nghiệp đăng ký kế hoạch năm 2014 khoảng 890.000 tấn đường tinh luyện. Vì vậy, nếu so kế hoạch sản xuất năm 2014 vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường, nên lượng đường tồn kho sẽ không lo đầu ra, các nhà máy cũng đang có hướng “giải quyết” đầu ra một cách hợp lý nhằm có lợi nhuận cao nhất.
Tuy nhiên, ngược lại với giá đường thì giá mía bao tiêu nguyên liệu ở tỉnh này không tăng. Hiện toàn bộ diện tích mía của địa phương được 2 doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ bao tiêu giá 830 đồng/kg mua tại cầu cảng nhà máy, còn Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát bao tiêu “mua xô” tại ruộng với giá 700 đồng/kg. Mức giá này tương đương so với năm trước tuy nhiên năm nay, chi phí đầu tư cho cây mía như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc và thu hoạch... đều tăng.
Theo ước tính của người trồng mía, với giá thành sản xuất vụ mía này khoảng 760 đồng/kg, dù giá bao tiêu được điều chỉnh tăng - giảm ở thời điểm thu hoạch tùy vào thị trường, thì vụ mía này khó có lãi.
Vụ mía 2014-2015, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được 12.500 ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và một phần huyện Long Mỹ. Hiện các ruộng mía đang ở độ tuổi từ 7-9 tháng, dự kiến trung tuần tháng 9 một số địa phương sẽ tiến hành thu hoạch.
Hai nhà máy đường trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ và Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát đã triển khai ký hợp đồng bao tiêu mía với nông dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, mặc dù có hợp đồng bao tiêu với nhà máy đường nhưng nhiều năm qua, người trồng mía chưa được hưởng nhiều bởi giá báo tiêu chưa tương xứng với chi phí, công lao động.
Điều lo ngại hơn, với giá mía thương phẩm hiện tại, cộng với điều kiện sản xuất bất lợi, sâu bệnh, ngập úng, mất mùa… đang tác động không nhỏ đến tâm lý người dân, nhiều người đã quay lưng với cây mía đã gắn bó với họ từ nhiều năm qua.
Huỳnh Sử