Đường sắt trước áp lực cạnh tranh

Đường bộ cao tốc, hàng không giá rẻ liên tục được đưa vào vận hành thu hút nhiều hành khách, khiến ngành đường sắt đang ở vị trí độc quyền trước đây phải “giật mình” nhìn lại vị trí của mình trong thị trường vận tải khách. Nếu không kịp thời thay đổi, ngành đường sắt sẽ khó chống đỡ áp lực cạnh tranh này.

Phải cắt giảm toa tàu vì ít khách


Cao tốc Nội Bài - Lào Cai rút ngắn thời gian lưu thông 4 tiếng so với trước đây, giúp giảm nhiều chi phí vận tải.


“Hơn 40 ngày, kể từ khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe đi vào hoạt động (ngày 21/9/2014), lượng hành khách đi tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai đã giảm khoảng 15 - 20% so với trước. Ngành đường sắt đã phải cắt giảm toa xe với tàu chạy ngày thường để đỡ lãng phí và nối lại toa vào cuối tuần”, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội Nguyễn Văn Bính cho biết.

Phóng viên báo Tin Tức tìm hiểu được biết: Khoảng 40 ngày qua, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thu hút trên 200.000 lượt phương tiện lưu thông trên tuyến, bình quân mỗi ngày có gần 8.000 lượt xe. Hầu hết lái xe đánh giá, thời gian chạy toàn tuyến từ 8 giờ rút xuống còn 3-4 giờ và tiết kiệm được nhiên liệu từ 20 - 30% so với lộ trình cũ. Đối diện với thực tế này, theo ông Bính, ngành đường sắt đã phải giảm giá vé giường nằm 10% và giảm giá vé tập thể cho các đoàn khách trên tuyến này.

Bên cạnh đó, theo ông Bính, các chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai hiện nay vắng khách là do đường sắt trên tuyến đang được cải tạo nâng cấp, nên các chuyến tàu đến ga bị chậm từ 1 - 1,5 giờ. Điều này cũng ảnh hưởng đến thời gian chờ, tác động đến tâm lý hành khách. Việc nâng cấp đường sắt Hà Nội - Lào Cai sẽ hoàn thành trong quý I/2015, đến khi đó, các chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai mới được rút ngắn thời gian chạy từ 1,5 - 2 giờ so với trước đây.

Anh Nguyễn Tuấn Linh, nhà ở TP Lào Cai thường xuyên đi tàu Hà Nội - Lào Cai cho biết: “Có ai đi về Lào Cai mới biết nỗi thống khổ về việc mua vé tàu. Mỗi năm có mấy đợt nghỉ lễ, muốn về nhà thăm bố mẹ, nhưng không bao giờ tôi mua được vé ở ga. Lần nào mua vé người bán vé cũng kêu hết vé, tôi mua sớm thì họ kêu là chưa bán...".

"Chưa kể đến các dịch vụ trên tàu quá kém, nhếch nhác, cộng với việc mất quá nhiều thời gian. Cả chặng đường dài khoảng 300 km, mà tàu chạy tới hơn 8 tiếng. Bây giờ đã có đường cao tốc, nếu đường sắt không nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, không ít hành khách sẽ bỏ đường sắt để đi đường cao tốc…”, anh Linh nói.

Sau tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và nhiều tuyến ngắn hàng không giá rẻ phát triển, đường sắt sẽ tiếp tục “mối lo” mất khách hiện hữu. Rõ ràng, đường sắt không còn là lựa chọn ưu tiên số 1 cho những chuyến đi. Các chuyên gia giao thông cho rằng: Ngành đường sắt đang trong thời điểm khó khăn nhất. Đây cũng là thời điểm “thử lửa” đối với ngành trên con đường đổi mới, tái cơ cấu.

Giảm 50% giá vé trên các chặng dài

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng nhận định: Vận tải đường sắt chỉ chiếm dưới 1% thị phần vận tải cả nước. Ngành đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn chưa từng có. Để vực dậy vị thế, tổng công ty đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp thu hút khách hàng, trong đó áp dụng giảm sâu giá vé tới gần 50% đối với các khách hàng đi cự ly dài trên 1.300km và mua trước hai tháng. Đây cũng là điều chưa từng có trong tiền lệ.

"Từ đầu năm đến nay, toàn ngành đường sắt đã tích cực đổi mới, thay đổi lại hình ảnh và chất lượng dịch vụ. Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, hành khách sẽ được chứng kiến một hình ảnh đường sắt khác với đường sắt Việt Nam thời gian qua”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chính sách giảm giá vé chặng đối với từng chuyến và trên mỗi đoàn tàu đều có loại vé rẻ hơn vé ô tô Bắc - Nam, giảm vé tàu mua tập thể, nhằm đáp ứng được mọi đối tượng hành khách.

Cuối tháng 11 này, hệ thống bán vé điện tử đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp hành khách mua vé tàu dễ dàng, thuận lợi hơn. Hành khách có thể mua vé qua điện thoại thông minh, đặt vé qua tin nhắn, mua vé qua thiết bị bán vé tự động tại ga hoặc đại lý và có thể thực hiện thanh toán qua các thẻ…

Để lấy lại hình ảnh và thu hút hành khách, bản thân ngành đường sắt phải tự thay đổi. Và những thay đổi gần đây, dù mới chỉ là bước đầu nhưng đáng được ghi nhận. Các đoàn tàu đã trở nên sạch sẽ hơn, hàng loạt công trình, hạng mục trong các nhà ga đã được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng. Đặc biệt, phương châm “4 xin, 4 luôn” của Bộ GTVT cũng đang được ngành đường sắt thực hiện nghiêm chỉnh, nhằm thay đổi diện mạo, chất lượng toàn ngành.


Tiến Hiếu
Đường sắt Việt Nam với bài toán hiện đại hóa
Đường sắt Việt Nam với bài toán hiện đại hóa

Ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tuyến tàu hỏa đầu tiên sau khi Việt Nam giành độc lập từ Hải Phòng về Hà Nội, Người đã gửi thư khen ngợi nhân viên hỏa xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN