Hiện tại, dư luận rất quan tâm đến tiến độ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, không chỉ vì sự chậm trễ của dự án nằm giữa Thủ đô này mà còn bởi thông tin điều chỉnh vốn đầu tư từ tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD (năm 2008) lên tới 891,92 triệu USD (năm 2014), tăng thêm 339,6 triệu USD. Để hiểu rõ những nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, phóng viên Thông tấn xã Việt nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) xung quanh vấn đề này.
Tại buổi trao đổi, ông Hùng cũng cho biết sẽ thúc đẩy tiến độ của dự án và quyết tâm hoàn hành dự án vào cuối năm 2015 đồng thời cam kết sẽ không làm phát sinh thêm tổng mức đầu tư của dự án.
Phóng viên (PV): Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn tới tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng thêm tới 339,6 triệu USD? Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,965 tỷ đồng, tương đương 552,86 triệu USD, trong đó, nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD, 133,86 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đặc điểm của dự án này không thực hiện công tác đấu thầu và được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC với nhà thầu được chỉ định là Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Tổng mức đầu tư dự án phải điều chỉnh tăng thêm 339,6 triệu USD do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân trước tiên là do lạm phát của Trung Quốc và do biến động tỷ giá giữa đồng Đô la Mỹ (USD) và đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (RMB). Cụ thể, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tính từ năm 2009 đến 2014 như sau: năm 2009 là âm 0,72%, 2010 là 3,17%, 2011 là 5,53%, 2012 là 2,62%, 2013 là 2,57% và năm 2014 dự tính là 3,84%...
Tỷ giá giữa USD và RMB tính từ khi ký hợp đồng tháng 5/2009 đến thời điểm tháng 3/2014 (thời điểm lựa chọn nhà thầu phụ đóng tàu) đã thay đổi, cụ thể, tại thời điểm ký hợp đồng EPC: 1 USD bằng 7,1 RMB nhưng tại thời điểm đấu thầu ngày 24/3/2014, tỷ giá là 1 USD bằng 6,163 RMB.
Như vậy, chỉ tính nguyên nhân trượt giá giữa USD với RMB, cộng với lạm phát của Trung Quốc đã làm dự án tăng thêm tổng mức đầu tư trên 30% (của phần mua sắm thiết bị đoàn tàu). Khi ký hợp đồng, dự án này được tính bằng đồng USD và RMB nên chịu tác động của việc trượt giá này.
Tổng mức đầu tư cho dự án ban đầu là 552,86 triệu USD. Ảnh hanoimoi.com.vn |
Các nguyên nhân tiếp theo làm tổng mức đầu tư của dự án tăng thêm là: xây dựng nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng, tốn 13,5 triệu USD; đường tránh Quốc lộ 6 mở theo quy hoạch tốn 2 triệu USD; thay đổi vỏ tầu từ vỏ sơn sang vỏ inox tốn 3,19 triệu USD; bổ sung đào tạo chuyển giao công nghệ tăng thêm 2,9 triệu USD; thay đổi địa điểm đúc dầm, lao lắp dầm tăng thêm hơn 10 triệu USD và chi phí tăng lên đáng kể nữa là do đơn giá giải phóng mặt bằng tăng lên.
Bên cạnh đó, chi phí đào tạo nguồn nhân lực (khoảng 600 người được tuyển dụng để phục vụ dự án sau này) cũng phải điều chỉnh do Nhà nước thay đổi mức lương tối thiểu và các chính sách chế độ khác. Theo tính toán từ năm 2009 đến nay, mức lương tối thiểu đã tăng lên gần 3 lần.
PV: Như ông vừa nói về các nguyên nhân dẫn tới đội giá dự án lên, có thể nhận thấy một số nguyên nhân như thay đổi kết cấu nhà ga, xây dựng tuyến tránh, thay đổi vỏ tàu, xử lý nền đất yếu… lẽ ra cần phải được dự toán ngay từ đầu, tại sao lại có sự thay đổi này thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Việc thay đổi phương án thiết kế nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng sẽ đem lại những lợi ích tối ưu hơn. Việc thay đổi phương án nhà ga sẽ giảm thiểu tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng, đồng thời tại mỗi nhà ga có thêm chức năng làm cầu cho người đi bộ qua đường và tăng mỹ quan đô thị. Nhà ga 3 tầng sẽ bố trí toàn bộ các phòng chức năng tại tầng 2, trong khi đó phương án thiết kế 2 tầng thì các phòng chức năng đặt dưới mặt đất ở hai bên lề đường. Với việc thay đổi phương án này, chi phí xây lắp nhà ga 3 tầng là 133,3 triệu USD, tăng so với bước lập dự toán là 84,2 triệu USD, trong đó: tăng trượt giá là 43,5 triệu USD, tăng do thay đổi quy mô là 40,7 triệu USD. Tuy nhiên, chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm 43,1 triệu USD (giảm được chi phí vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trong điều kiện chúng ta đang khó khăn về nguồn vốn).
Phát sinh thêm tuyến tránh Quốc lộ 6 làm tăng thêm 1,94 triệu USD là do UBND Tp. Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải sau khi bàn bạc đã thống nhất thi công đường tránh và sau này sẽ được tận dụng giữ lại như một phần của Quốc lộ 6 mở rộng theo quy hoạch, không phải phương án đường tạm bảo đảm an toàn giao thông như dự tính ban đầu. Như vậy trong tương lai, khi triển khai Quốc lộ 6 mở rộng sẽ không phải đầu tư hạng mục đã thi công này.
Lý do điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox là do việc sử dụng thân vỏ tàu bằng thép sẽ không phải xây dựng xưởng sơn duy tu bảo dưỡng vỏ tàu, tiết kiệm thời gian, chi phí sơn sửa vỏ tàu trong quá trình khai thác sau này. Chi phí cho việc thay đổi này tăng thêm 3,19 triệu USD nhưng sẽ không phải đầu tư 2,48 triệu USD để xây dựng xưởng sơn sau này và giảm thiểu ảnh hưởng vệ sinh môi trường.
Về thay đổi vị trí bãi đúc dầm, phương án vận chuyển lao lắp dầm là do khi thiết kế kỹ thuật bãi dầm dự kiến sử dụng khu Depot của dự án để xây dựng bãi đúc dầm. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt Depot không đáp ứng tiến độ ban đầu. Vì vậy không thể đúc và lao lắp dầm như phương án ban đầu. Mặt khác, khối lượng đúc dầm là tương đối lớn, vì vậy để đảm bảo công tác đúng dầm đúng tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép thuê thêm bãi đúc dầm. Việc thay đổi phương án thi công dầm cần phải bổ sung kinh phí (cho thuê bãi, huy động thêm thiết bị đúc và lao lắp dầm) khoảng hơn 10 triệu USD.
Đặc biệt, việc phát sinh chi phí xử lý nền đất yếu trong khu vực Depot cũng đã làm tăng 13,54 triệu USD. Cụ thể, khi triển khai xây dựng khu Depot phát hiện đất yếu xuất hiện ở độ sâu khoảng 2 – 3m. Tuy nhiên, lúc lập dự án ban đầu tư vấn thiết kế Tedi đã không đề xuất phương án xử lý nền đất yếu cho khu vực này nên làm phát sinh chi phí trên…