Đức thúc đẩy phê chuẩn EVIPA với Việt Nam

Ngày 23/7, Chính phủ Liên bang Đức đã chính thức trình Quốc hội CHLB Đức để phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVIPA), một văn bản pháp lý mà Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Đức cùng nhiều bạn bè trong khuôn khổ quan hệ Việt Nam - EU, Việt - Đức đã nỗ lực vận động nhiều năm qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại cuộc họp lần thứ 11, nội các Liên bang Đức đã thông qua dự thảo luật cho các hiệp định bảo hộ đầu tư của EU với Việt Nam và Singapore. Các hiệp định bảo hộ đầu tư này nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực Đông Nam Á năng động cũng như bổ sung cho các hiệp định thương mại tự do của EU đã có hiệu lực với Singapore vào năm 2019 và với Việt Nam vào năm 2020.

Trước đó, ngày 2/7, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu tại Berlin, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Bodo Ramelow. Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Bodo Ramelow đã vui mừng thông báo việc Quốc hội Đức đã cho khởi động quá trình xin ý kiến các bên liên quan để tiến tới phê chuẩn EVIPA để tạo động lực mới cho hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước.

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược. Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, và ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trên 10% hằng năm trong nhiều năm gần đây. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mà Đức là một đối tác ủng hộ tích cực nhất, đã tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ kinh tế song phương, qua đó giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức.

Cả hai quốc gia có cơ cấu kinh tế và sản phẩm bổ sung cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng công nghiệp nhẹ, dịch vụ, hàng tiêu dùng và nông sản thực phẩm, số hóa và công nghệ thông tin, trong khi Đức có lợi thế về công nghiệp nặng, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu cũng như các công nghệ hàng đầu về năng lượng sạch.

Vị thế địa chính trị của Việt Nam tại khu vực châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng. Nền kinh tế năng động, lực lượng lao động trẻ và vị trí chiến lược đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để mở rộng đầu tư, kinh doanh. Đến cuối năm 2023, Đức xếp thứ 17 trong số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 463 dự án và tổng vốn đăng ký 2,68 tỷ USD, tập trung tại các tỉnh, thành phố có kết cấu hạ tầng phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Hà Nội. Trong năm 2024, Đức tiếp tục gia tăng đầu tư với 472 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 2,76 tỷ USD, đánh dấu sự tăng trưởng ổn định.

Với chính sách đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư ở khu vực, các nhà đầu tư Đức đang ngày càng ưu tiên mở rộng hoạt động tại Việt Nam, do mức chi phí đầu tư thấp hơn và định hướng phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam. Năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, công nghiệp chế tạo, dịch vụ, hậu cần, giáo dục… là những ưu tiên hợp tác của cả hai bên.

Phương Hoa (TTXVN)
Việt Nam và Estonia đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số, thúc đẩy EVIPA
Việt Nam và Estonia đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số, thúc đẩy EVIPA

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Estonia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 6/6, tại thủ đô Tallinn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm quan trọng với Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna tại thủ đô Tallinn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN