Đưa tiểu thương lên sàn thương mại điện tử trong mùa dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất đưa hàng hóa của tiểu thương tại các chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử.

Chú thích ảnh
Đưa hàng hóa của tiểu thương lên sàn điện tử sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho các tiểu thương, tạo ra nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới. Ảnh: TTXVN. 

Theo Bộ Công Thương, việc các chợ dân sinh phải đóng cửa theo các chỉ thị giãn cách của Chính phủ khiến các tiểu thương bị tồn nghẽn sản phẩm, không thể tìm thấy đầu ra. Đồng thời cũng tạo thêm áp lực tiêu thụ hàng hóa cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa không hề giảm bớt. Khi mô hình đưa hàng hóa của tiểu thương lên sàn điện tử được triển khai, vừa giúp đảm bảo đầu ra cho các tiểu thương, vừa tạo ra một nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới để ung ứng cho người dân cả nước. 

Hiện nay, Sở Công Thương 18 tỉnh miền Nam đã chuyển danh sách các tiểu thương, nhà cung cấp trên địa bàn đến một số doanh nghiệp để hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Việc các tiểu thương được đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ biến đây trở thành các "cửa hàng, chợ dân sinh trực tuyến" một nguồn cung mới cho dịch vụ "đi chợ hộ".

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Post cho hay, doanh nghiệp này đang thu mua tất cả sản phẩm lương thực thiết yếu để cung ứng cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang bị ảnh hưởng COVID-19.

Để thực hiện, thông qua Tổ công tác đặc biệt, doanh nghiệp mong được kết nối với Sở Công Thương các địa phương nhằm biết giá, sản lượng, số lượng nông sản của các tỉnh; đồng thời mong Sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ giới thiệu hàng hóa, bán hàng nội tỉnh, liên tỉnh.

Viettel Post cũng đề nghị các Sở Công Thương cung cấp danh sách các chợ dân sinh và danh sách của tiểu thương trong chợ để khoanh vùng, từ đó hỗ trợ đưa bà con tiểu thương của chợ lên sàn Vỏ Sò kinh doanh, tránh trường hợp khi đóng cửa chợ dân sinh thì không có đầu mối chợ dân sinh để tiếp cận đến người dân.

Trong buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết chỉ riêng tỉnh Vĩnh Long đang cần tiêu thụ 27.000 tấn khoai lang tím, ngoài ra tỉnh có nhiều nông sản khác nên sẽ tham gia cung cấp các sản phẩm đầu vào lên sàn thương mại điện tử.

Tuy vậy, theo ông Kiên, do tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16, hoạt động triển khai thu mua không thuận lợi, xe lưu thông khó khăn, nông dân ra đồng ít, các tỉnh thành từ 18 giờ ngừng cho phương tiện ra đường nên cũng hạn chế hoạt động thu mua nông sản… Nếu tháo gỡ những khó khăn này thì việc thu mua thuận lợi hơn để kịp thời cung ứng cho TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Còn các tỉnh, thành khác như  Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Sóc Trăng… cũng cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin sản lượng, giá cả và đầu mối cho doanh nghiệp thương mại điện tử, để hỗ trợ nông dân, tiểu thương tiêu thụ nông sản đến mùa vụ thu hoạch.

Thu Trang/Báo Tin tức
Lực đẩy cho phát triển thương mại điện tử
Lực đẩy cho phát triển thương mại điện tử

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những lực đẩy rất lớn để thị trường thương mại điện tử phát triển. Nắm bắt xu hướng này, tỉnh Ninh Thuận tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận và tham gia thương mại điện tử để mở rộng thị trường kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN