Đưa hàng Việt về nông thôn qua hệ thống siêu thị mini

Với những tiện ích nhất định, siêu thị mini tại các vùng nông thôn đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Siêu thị mini cũng đã góp phần vào chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

85% là hàng Việt

Trong vài năm trở lại đây, ở các vùng nông thôn của Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh xuất hiện nhiều siêu thị mini. Khi đời sống, thu nhập được cải thiện, người dân ở những vùng nông thôn không chỉ quan tâm tới giá cả hàng hóa mà còn đặc biệt chú ý tới chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Đây chính là điều kiện để các siêu thị mini ra đời.

Người dân mua sắm tại siêu thị Tạp hóa - Điện máy ở xã Xuân Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh.


Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, siêu thị Tạp hóa - Điện máy của chị Phạm Thị Hồng (xã Xuân Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) có trên 600 mặt hàng, trong đó có tới 80% là hàng Việt, giá cả ổn định, rẻ hơn ngoài thị trường. Cụ thể 1 hộp bánh Chocopie 12P có giá 47.500 đồng trong khi ngoài thị trường là 49.000 đến 50.000 đồng tùy từng cửa hàng; hay 1kg đường bán lẻ ngoài thị trường là 18.000 đồng, trong siêu thị có giá 17.500 đồng...

Tương tự, tại Thanh Hóa, hệ thống 6 siêu thị mini tại các huyện miền núi của Công ty Cổ phần Thương mại Miền núi luôn đảm bảo 2 tiêu chí chất lượng sản phẩm và giá cả phải chăng phục vụ người tiêu dùng. Anh Lê Đức Huyến, Phó Giám đốc phụ trách mảng Siêu thị thương mại, Công ty Cổ phần thương mại Miền núi cho biết: “Mỗi siêu thị có khoảng 8.000 mặt hàng, 85% là hàng Việt, chỉ trừ một số mặt hàng thị trường trong nước không có buộc phải nhập ngoại, ví dụ như mỹ phẩm, bánh kẹo, sữa... Hàng hóa bán trong siêu thị mini phải có tem nhãn, xuất xứ, mã vạch, không nhập những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc”.

Tại Quảng Ninh, theo một cán bộ huyện Đông Triều: “Trên địa bàn huyện Đông Triều với 2 thị trấn và 19 xã đã có ít nhất 5 siêu thị mini là nơi bán hàng Việt có uy tín”.

Thay đổi thói quen mua hàng

Những tiện lợi mà các siêu thị mini đem lại đã góp phần làm thay đổi dần thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Là khách quen mua hàng tại siêu thị mini chị Bùi Thị Bích (xã Xuân Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết: “Sau khi tham khảo và so sánh giá cả, chất lượng hàng giữa siêu thị mini và thị trường, tôi rất tin tưởng vào chất lượng hàng trong siêu thị”.

Chị Lê Thu Hương (Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết: “Mua hàng trong siêu thị mini vừa tiện lợi, giá thành rẻ, đặc biệt chất lượng luôn được đảm bảo và có nguồn gốc rõ ràng, không sợ mua phải hàng giả như bên ngoài thị trường”.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là trên địa bàn nông thôn, anh Lê Đức Huyến cho biết, hệ thống siêu thị của công ty cam kết giá bán trong siêu thị sẽ luôn ổn định vì hàng lấy từ gốc không qua khâu trung gian. Công ty sẽ luôn phải kiểm tra năng lực cung cấp hàng, chất lượng sản phẩm của các nhà phân phối, sau đó mới kí kết hợp đồng.

Chính bởi sự tiện lợi nên siêu thị mini ngày càng thu hút người tiêu dùng. Theo chị Phạm Thị Hồng: “Trung bình một ngày có từ 300 đến 500 lượt khách vào mua hàng tại siêu thị, đặc biệt vào giờ tan tầm của công nhân bên nhà máy gạch đối diện. Mặc dù siêu thị được mở ở vùng nông thôn nhưng tôi rất ngạc nhiên về sức tiêu thụ hàng hóa của người dân nơi đây”.

Anh Nguyễn Đức Cường chủ siêu thị thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết: “Bình quân mỗi ngày tại siêu thị bán ra gần 1.000 mặt hàng đầy đủ chủng loại, được người tiêu dùng tin cậy”.

Tuy nhiên hiện nay, việc đưa hàng vào siêu thị ở các vùng nông thôn nhất là hàng Việt còn gặp nhiều khó khăn về nguồn hàng, vận chuyển và các chi phí trong siêu thị như mặt bằng, nhân công, chi phí điện nước... Chưa kể các loại thực phẩm không để được lâu, sẽ bị hỏng nếu không bán kịp thời.

Để tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình siêu thị mini tại các vùng nông thôn đồng thời khắc phục những khó khăn trước mắt cho các doanh nghệp, theo GS. Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển: “Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các siêu thị mini ở vùng nông thôn phát triển, vì đây là xu hướng tốt, cần phát huy. Cùng với đó nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp bắt tay với nhau, tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, giải quyết nguồn hàng tại chỗ cho các siêu thị mini. Đồng thời các doanh nghiệp cần vận dụng linh hoạt sự hỗ trợ về chi phí của nhà nước nhằm hạn chế các khâu trung gian trong quá trình đưa hàng từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng”.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: “Chính quyền địa phương phải phối hợp với nông dân có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hợp tác xã mua bán 2 chiều, tức là trước mắt quy hoạch các hợp tác xã cung cấp hàng thiết yếu, những sản phẩm công nghiệp, hướng dẫn bà con sản xuất, đồng thời thu mua hàng nông sản của bà con”.

Bài và ảnh: Lê Xuân

Hàng Việt lo đối phó tại chợ bình dân
Hàng Việt lo đối phó tại chợ bình dân

Tại các chợ bình dân, hàng Việt lại chịu sức ép rất khốc liệt từ hàng nhái nhãn mác “made in Vietnam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN