Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài cuối: Tăng nội địa hóa

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường thương mại hóa sản phẩm công nghệ ngày càng được cải thiện đã góp phần giúp Việt Nam hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, định hướng công nghiệp hỗ trợ và nội địa hóa sản xuất.

Chú thích ảnh
Xưởng thực hành tự động hóa với nhiều robot hiện đại tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thành phố cũng như cả nước. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số là mục tiêu hàng đầu của hầu hết địa phương trên cả nước; trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Định hướng chiến lược địa phương

Tại TP Hồ Chí Minh, ngành cơ khí - tự động hóa là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu, chiếm 17,03% giá trị sản xuất và đóng góp 14,68% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Ngành này cũng đóng vai trò hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển như sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện...

Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân 6,69%/năm. Tuy nhiên, ngành cơ khí - tự động hóa phát triển còn chưa tương xúng với tiềm năng của TP Hồ Chí Minh, phần lớn doanh nghiệp sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu cũng như hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao. 

Nhằm định hướng phát triển ngành cơ khí - tự động hóa theo hướng công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuấn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, TP Hồ Chí Minh đã xây dụng Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020 - 2030. TP Hồ Chí Minh cũng không ngừng hướng đến mục tiêu chủ động trong khâu nghiên cứu, thiết kê, chế tạo sản phẩm cơ khí, đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa cần dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố về nguồn nhân lực, tận dụng công nghệ từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, thành phố xác định một số công nghệ nền quan trọng của ngành để tập trung, khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ phục vụ yêu cầu chủ động sản xuất trong nước, thay thế và giảm dần phụ thuộc nhập khâu.

Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phát triển, ứng dụng giải pháp công nghệ như áp dụng công cụ năng suất phù hợp, cải tiến hoạt động đo lường; công cụ quản trị tài sản trí tuệ để bảo vệ và khai thác có hiệu quả kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... Các  sở, ngành TP Hồ Chí Minh phối hợp liên ngành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ về thủ tục miễn giảm thuế và trích lập quỹ nghiên cứu phát triển công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. 

Không dừng lại ở ngành ngành cơ khí - tự động hóa, những ngành trọng điểm của TP Hồ Chí Minh đều được xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm giai đoạn 2020 - 2030 để phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn tới. Đơn cử, ngành chế biến lương thực - thực phẩm, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm giai đoạn 2015 - 2019 tăng trưởng bình quân 7,04%/năm. 

Ngành chế biến lương thực - thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khấu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, việc phát triển ngành chế biến lương thực - thực phẩm theo hướng bên vững không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường mà còn gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu tại các tỉnh thuộc vùng Đông, Tây Nam bộ. 

Cùng với đó, giúp doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung từng bước triển khai áp dụng các công cụ năng suất phù hợp, cải tiến hoạt động đo lường. Đồng thời, áp dụng các công cụ quản trị tài sản trí tuệ đế bảo vệ và khai thác có hiệu quả các kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Đầu tư làm chủ công nghệ

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Secoin chia sẻ, Secoin là một điển hình trong việc xuất khẩu sản phẩm gạch nghệ thuật của Việt Nam chinh phục hơn 60 thị trường xuất khẩu trên thế giới. Những giá trị được kết tinh trong sản phẩm là nhờ doanh nghiệp chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng, sản xuất tại Việt Nam, khai thác thị trường xuất khẩu, bảo vệ mội trường và an toàn sức khỏe. 

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Secoin đã thành công khi mang về Việt Nam công nghệ sản xuất gạch không nung, một công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới, đồng thời là một công nghệ xanh. Qua đó, góp phần tạo ra ngành vật liệu xây dựng không nung của Việt Nam và giữ vị trí đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp Đông Nam Á. 

Trong quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm, doanh nghiệp nhận thấy, công nghệ là chìa khóa vàng để Secoin gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải ưu tiên đầu tư công nghệ, đáp ứng chuẩn mực về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tương tự, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh cho hay, doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ sintering, dập ép bột kim loại để sản xuất chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Đây là dự án vừa mới được triển khai, có tổng vốn đầu tư 189 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2022, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối về sản phẩm linh kiện, chi tiết máy rất lớn. 

"Hiện, trên thị trường vẫn chưa có doanh nghiệp trong nước nào đầu tư công nghệ dập ép bột và thiêu kết để có thể sản xuất được những sản phẩm trên và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư cao, diện tích mặt bằng lớn, đồng thời việc sử dụng các linh kiện và chi tiết máy dạng này vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu nên dễ bị rủi ro trước những cú sốc thị trường", ông Đỗ phước Tống chia sẻ thêm.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp làm chủ công nghệ và phát triển bền vững, nhất là khơi thông nội lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã chương trình hỗ trợ ngân sách, đồng thời nâng hạn mức cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho phép đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ với quy mô 330ha. 

Việc hình thành khu công nghiệp này giúp tạo ra chuỗi liên hoàn trong hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo và tự động hóa... Tiếp theo đó, từng bước nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước, đón đầu cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh doanh nghiệp FDI đang đổ mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, các sở, ngành TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện đánh giá lại lại những ngành công nghiệp có ảnh hưởng môi trường, thâm dụng lao động... nhằm phục vụ cho ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao. Điển hình, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao cùng tham gia đánh giá mức độ ứng dụng khoa học công nghệ, tỷ lệ thâm dụng lao động ở các doanh nghiệp hiện nay.

Mặt khác, thực trạng tại khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã thu hút được các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel... nhưng lực lượng lao động phổ thông vẫn ở mức cao (khoảng 60%). Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhưng sẽ chọn lọc lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, gắn với cơ cấu phát triển thành phố.

Mỹ Phương  (TTXVN)
Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài 3: Chuyển giao công nghệ
Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài 3: Chuyển giao công nghệ

Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát huy được vai trò quản lý, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, qua đó từng bước phát triển những điểm kết nối cung cầu, trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN