Các doanh nghiệp (DN) chế biến dừa ở Bến Tre đang không mua được nguyên liệu để sản xuất, trong khi DN Trung Quốc vẫn mua được dễ dàng do mua với giá cao. Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu, Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới bức xúc: Công ty chúng tôi, mỗi ngày cần 150 tấn cơm dừa sơ chế nhưng chỉ mua được 1/10 số lượng. Hiện nay, Công ty sản xuất 6 mặt hàng từ dừa, công nhân khoảng 200 người nhưng phải hoạt động cầm chừng và chỉ trả được lương tối thiểu cho công nhân...
Dừa tươi khu vực Bến Tre đang bị các doanh nghiệp Trung Quốc thu mua với giá cao hơn sức mua của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa: laodong.com.vn |
Theo bà Châu, DN Trung Quốc mua dừa giá cao bởi họ có thị trường trong nước rộng lớn. Công ty chế biến dừa Lương Quới xuất khẩu cơm dừa nạo sấy sang Trung Đông và Bắc Phi là chủ yếu, không chen chân được vào thị trường châu Âu hay Bắc Mỹ. Cùng là mặt hàng cơm dừa nạo sấy, trong khi Philippines xuất khẩu sang Mỹ có giá 1.700 USD/tấn thì các DN Việt Nam xuất sang Trung Đông hay các nước ở Bắc Phi chỉ có 1.500 USD/tấn trong khi giá thành cơm dừa nạo sấy cộng cả chi phí đã là 1.560 USD/tấn. Công ty chấp nhận lỗ để công nhân có việc làm vì nếu không sản xuất còn lỗ nặng hơn.
Bà cho biết, nếu Công ty mua dừa nguyên liệu với giá DN Trung Quốc đang mua thì mỗi tấn sản phẩm bị lỗ từ 4 – 5 triệu đồng. Hiện DN Trung Quốc đang mua dừa với giá 60.000 – 70.000 đồng/chục, có lúc tới 84.000 đồng/chục, còn Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới mua cơm dừa sơ chế với giá 12.000 đồng/kg, tương đương khoảng 50.000 đồng/chục dừa (chục = 12 trái).
Ông Nguyễn Văn Đắc – Phó Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho biết: Hiệp hội không thể kiến nghị tỉnh dùng biện pháp hành chính yêu cầu các DN hạn chế hoặc không xuất khẩu dừa nguyên liệu. Việc kiến nghị hạn chế xuất khẩu dừa nguyên liệu đã từng làm, bằng cách đánh thuế xuất khẩu dừa nguyên liệu 3%, áp dụng từ tháng 5/2012. Tuy nhiên, sau khi áp dụng mức thuế này, giá dừa nguyên liệu trong tỉnh giảm 10 lần khiến nông dân trồng dừa điêu đứng, nên kiến nghị tạm dừng.
Để khắc phục tình trạng trên, hiện có một doanh nghiệp dự định nhập khẩu dừa của các nước trong khu vực về sản xuất. Song theo bà Châu, giải pháp này không ổn vì vướng Thông tư số 13/2011/TT – Bộ NN&PTNT, ngày 16/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể là điều 5 của chương I; điều 10, 12 của chương II... Bà Châu cho rằng, Bộ NN&PTNT nên xem xét lại vì DN chỉ nhập nguyên liệu thô về sản xuất...
Ngoài ra, DN kiến nghị ngành thuế xem xét lại một số mặt hàng nông sản chế biến đang chịu mức thuế VAT 10% khi buôn bán ở thị trường nội địa giảm xuống còn 5%. Ví dụ như trước đây mặt hàng cơm dừa nạo sấy tiêu thụ nội địa thuế VAT 10%, nay đã giảm còn 5%. Như vậy, DN trong nước mới có cơ hội "sống sót", vì một khi xuất khẩu khó khăn thì quay về thị trường trong nước để kinh doanh và tồn tại chờ cơ hội vươn lên. Điển hình như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2013 chỉ còn 510 ngàn USD, giảm 50% so với tháng 4/2012, đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại phường Phú Khương, thành phố Bến Tre và bước đầu đưa hàng vào các siêu thị để bán cho người tiêu dùng trong nước.
Bà Châu cho biết, một DN Trung Quốc đang mua dừa nguyên liệu ở Bến Tre, có nhà máy sản xuất ở đảo Hải Nam, sản phẩm tiêu thụ ở tỉnh Quảng Châu với 100 triệu dân. DN này vẫn sản xuất kinh doanh tốt, song lại gây khó khăn cho nhiều DN chế biến dừa ở Bến Tre. Bà hi vọng người Việt Nam sẽ ủng hộ hàng Việt Nam, ủng hộ DN trong nước.
Văn Trí