Sản xuất mía đường niên vụ 2010 – 2011 đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng đường ngoại vẫn được phép nhập khẩu vào nước ta, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, không nên hiểu là mặc dù đủ đường, Bộ Công Thương vẫn cấp giấy phép nhập khẩu đường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tính đến cuối tháng 3, cả nước đã có 12/38 nhà máy mía đường kết thúc niên vụ sản xuất 2010 - 2011. Các nhà máy đã ép được 9,7 triệu tấn mía và sản xuất được 860.000 tấn đường. Sản lượng này cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 70.300 tấn. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến 15/3 là khoảng 418.900 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 97.900 tấn.
Báo cáo của các nhà máy cho thấy, ước tính niên vụ này lượng đường toàn ngành sản xuất được khoảng 1.079.000 tấn, cao hơn so với vụ trước khoảng 190.000 tấn. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT nhận định rằng, việc Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu dự phòng 50.000 tấn đường (trong tổng số 250.000 tấn được cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan) ngay từ đầu năm sẽ khiến các nhà máy gặp khó khăn trong việc tiêu thụ trong thời gian tới.
Đóng bao đường tại Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco). Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Đồng tình với nhận định trên, ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam còn cho hay, vụ thu hoạch mía đường tại Thái Lan năm nay cũng được dự báo là “thắng lớn” khiến nguồn cung của nước này tăng mạnh. Điều này sẽ khiến cho lượng đường nhập lậu từ quốc gia này vào nước ta trong thời gian tới sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp trong nước sẽ càng gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Hiện giá đường trắng loại 1 đã có VAT bán tại kho của các nhà máy có giá từ 18.000 - 18.500 đồng/kg, thậm chí đang có xu hướng giảm xuống dưới 18.000 đồng/kg. Giá bán đường giảm khiến các nhà máy cũng phải điều chỉnh giảm giá thu mua mía nguyên liệu khoảng 50.000 đồng/tấn. Giá mua mía 10 chữ đường tại ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long đang được mua vào ở mức 1.050.000 - 1.150.000 đồng/tấn.
Theo ông Nguyễn Lộc An, không nên đổ lỗi cho tình thế khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là do Bộ Công Thương đã cho phép doanh nghiệp nhập khẩu đường. “Việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường được Bộ Công Thương quyết định từ đầu năm căn cứ trên dự kiến sản lượng mía đường trong nước và nhu cầu tiêu thụ đường.
Đối với niên vụ mía đường 2010 - 2011, từ đầu vụ (bắt đầu từ tháng 9/2010 và kết thúc vào tháng 6/2011), Bộ NN&PTNT dự đoán sẽ thiếu hụt khoảng 250.000 tấn đường. Căn cứ vào đó, Bộ Công Thương mới quyết định cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 250.000 tấn đường, hạn mức đường nhập khẩu năm nay còn thấp hơn năm trước 50.000 tấn. Việc cho phép nhập khẩu này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh từ nhiều năm nay, nguồn cung trong nước luôn thiếu hụt so với nhu cầu.
Tuy nhiên, năm nay diễn biến sản xuất mía đường trái với dự đoán ban đầu của Bộ NN&PTNT, sản lượng mía đường tăng mạnh vì bà con nông dân tăng diện tích trồng mía do mía đường có giá cao dẫn đến việc đường thừa vẫn phải cho... nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Bộ Công Thương hiện nay không thể đơn phương giải quyết tình trạng này mà cần có sự phối hợp với Bộ NN&PTNT.
T.Hường