Dự báo nguồn phân đạm: Bộ Công Thương nói 'thiếu', DN bảo 'thừa'

Bộ Công thương đang tính đến phương án tạm ngừng xuất khẩu phân bón để đáp ứng cho nhu cầu trong nước; trong khi Tổng Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí khẳng định, nguồn cung phân đạm urê sẽ vượt nhu cầu sử dụng tới 300 nghìn tấn...

 

Tại giao ban sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương mới đây, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền cho biết: Giá phân bón có thể sẽ tăng mạnh do nhu cầu phân urê tăng cao trong cao điểm mùa vụ ở miền Tây.

 

Vận chuyển phân bón của Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đi tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

 

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam để bàn giải pháp điều hành hợp lý, thậm chí có thể phải tạm ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung.

 

Cùng quan điểm này, Cục trưởng Cục Hóa chất Bộ Công Thương, ông Phùng Hà cho biết: Hiện đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau đang được phép xuất khẩu có điều kiện để tìm thị trường. Tuy nhiên, với tình hình giá phân bón có thể tăng, Cục đồng ý với đề xuất có thể phải tạm ngừng xuất khẩu phân bón.

 

Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất từ Tổng Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (DPM)-đơn vị đang chi phối khoảng 50% thị phần phân đạm urê tại Việt Nam, trong quý IV này, nguồn cung phân đạm urê sẽ vượt nhu cầu sử dụng tới 300 nghìn tấn, đảm bảo cho vụ Đông Xuân tới đây.

 

Theo DPM, trong quý IV này, với năng lực của các nhà máy sản xuất phân bón trong nước như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ, đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình là trên 550 nghìn tấn, cộng với lượng hàng tồn kho khoảng 140 nghìn tấn và 150 nghìn tấn lượng phân bón nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm, nguồn cung phân đạm u rê cho thị trường sẽ đạt gần 850 nghìn tấn nên hoàn toàn đáp ứng nhu cầu phân bón dự kiến chỉ là 550 nghìn tấn.

 

DPM cho biết: Hiện nhu cầu phân urê ở mức thấp do phần lớn lúa vụ Thu Đông đã bước sang giai đoạn bón phân đợt 2, 3. Từ nay đến giữa tháng 10, nhu cầu urê sẽ còn xuống thấp và tăng trở lại từ cuối tháng 10, thời gian bước vào vụ Đông Xuân 2012-2013.

 

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, lúa Hè Thu cơ bản đã thu hoạch dứt điểm, lúa Thu Đông đã xuống giống xong hoặc bước sang giai đoạn bón phân đợt 2, đợt 3. Kế hoạch xuống giống vụ Đông Xuân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 10, tập trung trong tháng 11 và kéo dài một phần sang tháng 12. Tuy nhiên, việc xuống giống còn phụ thuộc vào con lũ mà theo kinh nghiệm nông vụ. Năm nay, lũ đồng bằng Sông Cửu Long có thể về chậm hơn so với dự kiến.

 

Tại phía Bắc, lúa mùa đang được thu hoạch trong khi khu vực miền Trung - Tây Nguyên cơ bản đã hết vụ. Vì vậy, công tác chuẩn bị phân bón cho vụ Đông Xuân dự kiến đến tháng 11/2012 mới bắt đầu trở lại.

 

 

Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN