Dự án cao tốc Bắc - Nam sắp sơ tuyển nhà đầu tư

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang bước vào giai đoạn nước rút khi toàn bộ 11 dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Chú thích ảnh
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đoạn qua Tân An (Long An); một phần của tuyến Đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Cụ thể, đối với với 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách gồm Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan và cầu Mỹ Thuận 2, Bộ Giao thông Vận tải đang đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn. Dự kiến, thời gian thực hiện khoảng 6 tháng đối với hai dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn – Túy Loan sẽ hoàn thành trong quý II/2019. Riêng đối với cầu Mỹ Thuận 2, thời gian thực hiện khoảng 9 tháng sẽ hoàn thành trong quý III/2019.

Còn lại, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải đang đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, dự kiến thời gian thực hiện khoảng 9 tháng, hoàn thành cuối tháng 7/2019.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Danh Huy, tiến độ thực hiện của dự án trong thời gian tới phụ thuộc chủ yếu vào cắm cọc giải phóng mặt bằng và thực hiện khảo sát thiết kế kỹ thuật. Nếu việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán được hoàn thiện xong khi đó các dự án mới được tiến hành tổ chức đấu thầu.

“Theo chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến cuối tháng 3/2019, các đơn vị sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, chậm nhất đến tháng 9/2018 phê duyệt xong toàn bộ thiết kế kỹ thuật của các dự án”, ông Nguyễn Danh Huy chia sẻ.

Cùng với việc sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuẩn bị ngay hồ sơ mời thầu nhà đầu tư. Đây được xem là nội dung quan trọng nhất trong lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt đối với đấu thầu nhà đầu tư nước ngoài nên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo Vụ trưởng, trưởng Ban PPP (Bộ Giao thông Vận tải), dự kiến quý I/2020 bắt đầu triển khai xây dựng các dự án PPP, riêng 3 dự án đầu tư công Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan và cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai xây dựng trong năm 2019 và các dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Về giải phóng mặt bằng,  ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố với các địa phương về quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) của các dự án, kèm theo khung chính sách và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khung chính sách, khi tư vấn làm việc với địa phương đã chỉ ra ranh giới về giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở đó, một số địa phương đã đồng ý theo hướng chủ động triển khai sớm. Đồng thời, tư vấn đã chuyển ranh giới và tọa độ giải phóng mặt bằng để các địa phương chủ động xây dựng phương án chuẩn bị tổ chức đo đạc. Sau khi có mốc chính thức sẽ tiến hành rải thửa.

Về cơ chế thu hút các nhà đầu tư, ông Nguyễn Danh Huy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện đúng theo Nghị Quyết 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ về dự án xây dựng một số đoạn dường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Về cơ chế bảo lãnh Chính phủ mà nhiều nhà đầu tư quan tâm sẽ chưa được thực hiện vì chưa có các quy định pháp luật cho phép thực hiện điều này.

Liên quan đến việc đã có nhà đầu tư nào quan tâm đến dự án cao tốc Bắc – Nam hay chưa, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, đến thời điểm này chưa thể dự đoán được dự án có thể thu hút được bao nhiêu nhà đầu tư. Bởi dự án cao tốc Bắc – Nam cũng có thể coi là một loại hàng hóa, khi chưa đưa ra chợ bán thì không thể đoán được có bao nhiêu người mua. Hơn nữa, tất cả các dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam đều thực hiện đấu thầu vì vậy sẽ phụ thuộc vào thị trường.

Cũng theo phân tích của của ông Nguyễn Danh Huy, yếu tố có thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia hay không còn phụ thuộc vào thời điểm bán hồ sơ mời thầu dự án này mà có nhiều lĩnh vực hấp dẫn hơn. Chẳng hạn như bất động sản, nhà đầu tư sẽ chọn lĩnh vực đó thay vì chọn đầu tư dự án giao thông.

Đề cập đến việc có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Danh Huy cho rằng cũng không thể dự đoán được vì nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia các dự án đều đưa ra điều kiện bảo lãnh Chính phủ. Trong khi đó, cơ chế bảo lãnh, theo quy định của pháp luật hiện hành chưa cho phép Chính phủ thực hiện bảo lãnh.

Nội dung này, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp thảo luận và đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật Đối tác công tư (PPP). Trong luật này sẽ đưa vào một số chính sách cụ thể; trong đó có cơ chế bảo lãnh…. Cùng với đó, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế chính sách về vấn đề bảo lãnh.

“Đặc biệt, khi thực hiện cơ chế bảo lãnh sẽ phát sinh nhiều vấn đề; trong đó sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ dự phòng điều này liên quan đến nhiều luật khác điều chỉnh cần phải nghiên cứu kỹ”, ông Nguyễn Danh Huy nêu vấn đề.

Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Quang Toàn (TTXVN)
Dự án cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi
Dự án cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký Văn bản 489 báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết 52/2017QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN