Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật). Thưa Thứ trưởng, cùng một lúc chúng ta dùng 1 luật sửa 7 luật sẽ rút ngắn thời gian và có ý nghĩa ra sao?
Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nghẽn” trong thể chế tức là chúng ta giải quyết được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Với quyết sách của Trung ương cũng như Bộ Chính trị về việc xử lý các vướng mắc, “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật về tài chính vừa qua, chúng tôi cho rằng đây là chủ trương rất trúng, rất đúng và rất kịp thời.
Sau khi được Chính phủ đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính theo trình tự, thủ tục rút gọn, tập trung vào các vấn đề mà thực tế đòi hỏi, yêu cầu. Việc dự án luật được soạn thảo theo thủ tục rút gọn đã rút ngắn được thời gian so với trình tự, thủ tục xây dựng luật thông thường và luật cũng có hiệu lực ngay sau khi được phê chuẩn.
Nếu như được Quốc hội phê duyệt, chúng tôi khẳng định sẽ giải phóng được rất nhiều nguồn lực, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội trong thời gian tới, nhất là chúng ta chỉ còn hơn 1 năm cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng.
Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật này. Dự kiến những mục tiêu lớn, mang tính cấp bách nào cần phải sửa ngay để đáp ứng việc quản lý và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Các chính sách lớn khi chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự án Luật này tập trung giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, có thể kể đến như tháo gỡ điểm nghẽn trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách Nhà nước (NSNN), tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính Nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung này được thể hiện ở việc sửa Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Chúng tôi cũng tập trung chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Tổng Bí thư là phân cấp mạnh, để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Quan điểm này thể hiện trong sửa Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán.
Cùng với đó, đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và đảm bảo sự công bằng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Nội dung này được thể hiện trong sửa Luật Quản lý thuế.
Ngoài ra, cũng đề xuất các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững… Những nội dung này thể hiện trong nội dung sửa Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán. Đồng thời, đề xuất chính sách khi sửa Luật NSNN, Luật Dự trữ Quốc gia nhằm tăng tính chủ động trong quan hệ đối ngoại với các nước anh em.
Với Luật NSNN sửa đổi, dự kiến có 3 nhóm chính sách lớn, nổi bật là bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách Trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng. Các chính sách này có tháo gỡ được các “điểm nghẽn” thực tế không, thưa Thứ trưởng?
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cho phép một số địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương và trên địa bàn. Nội dung này cũng đã được luật hóa trong Luật Thủ đô. Một số công trình hạ tầng trọng điểm đã được thực hiện và thực tế đã phát huy hiệu quả tích cực. Có thể kể đến nhiều dự án thực hiện theo cơ chế này, như các tuyến đường vành đai của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, dự án sân bay Điện Biên, dự án cầu Bạch Đằng (nối Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), dự án cầu Như Nguyệt…
Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tài chính cũng đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung này trong Luật Ngân sách nhà nước để làm sao chúng ta huy động được nguồn ngân sách của các cấp, các địa phương tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia, thậm chí là liên quốc tế.
Chúng tôi đánh giá, nếu cơ chế này được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội của từng địa phương, của vùng, của cả quốc gia, không những ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai.
Vậy điều này cũng sẽ giúp chúng ta giảm bớt tình trạng các dự án đợi vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh sắp tới chúng ta cũng sẽ có những dự án mang tính chất liên vùng như Thứ trưởng vừa chia sẻ?
Việc này sẽ huy động được sức mạnh tổng thể của cả Trung ương và các địa phương và nó không chia cắt NSNN nhưng phải trên cơ sở các dự án có tính chất động lực cho phát triển vùng, liên tỉnh, cả quốc gia.
Luật Quản lý thuế sửa đổi đề xuất sửa quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế. Theo đó, đề xuất bổ sung thêm đối tượng quyết định hoàn thuế là Chi cục trưởng và Cục Thuế Doanh nghiệp lớn. Liệu việc tăng cường phân cấp, phân quyền này có giúp việc hoàn thuế được nhanh chóng hơn trước không thưa Thứ trưởng?
Theo Luật Quản lý thuế, chỉ có Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thuế. Nhưng thực tế, chúng ta lại thực hiện việc thu thuế, xử lý hồ sơ thuế không chỉ ở Cục Thuế mà ở cả các Chi cục Thuế. Nếu thực hiện hoàn thuế như quy định hiện nay, quy trình, thủ tục và phối hợp giữa Cục Thuế với Chi cục Thuế trong xử lý hoàn thuế có thể mất nhiều thời gian hơn. Nhưng khi thực hiện phân cấp cho các Chi cục thuế và Chi cục trưởng Chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chính mình được giao quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế, nâng cao trách nhiệm của cấp quản lý thuế trực tiếp người nộp thuế.
Khi thực hiện phân cấp, phân quyền như vậy, sẽ phát sinh các thách thức. Chúng tôi cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại các Cục Thuế, Chi cục thuế; đồng thời nâng cao năng lực, trình độ cho các cán bộ thuế ở các Chi cục để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh rủi ro phát sinh hoặc trục lợi trong quá trình hoàn thuế.
Một nội dung cũng đang được rất quan tâm trong bối cảnh mong muốn thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng đó là dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đề xuất quy định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ. Thay đổi này có tác động thế nào tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thưa Thứ trưởng?
Luật Chứng khoán đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thực thi từ năm 2019. Thời gian qua trong quá trình phát triển thị trường đã nảy sinh một số vấn đề, đặc biệt liên quan đến thị trường TPDN và TPDN riêng lẻ.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đang quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Bộ Tài chính không đề xuất sửa các nội dung liên quan đến quyền đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư tất cả các loại TPDN riêng lẻ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN riêng lẻ, khắc phục những hạn chế của thị trường TPDN riêng lẻ trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu.
Chúng tôi cũng đề xuất sửa đổi quy trình quyết định phát hành TPDN ra công chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhanh chóng xem xét, cấp chứng nhận phát hành trái phiếu ra công chúng huy động vốn. Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, tất cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không phân biệt là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều có thể tham gia.
Chúng tôi cũng tính đến việc các chính sách mới đưa ra cần phải có thời gian để thị trường có sự thích ứng. Do đó, những quy định này Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội cho phép có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!