Đột phá tăng trưởng ngành gỗ - Bài 2: Không ít thách thức

Thách thức lớn nhất đang đặt ra cho ngành chế biến gỗ là nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần.

Lợi thế và tiềm năng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ, nội thất đã được khẳng định, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết thách thức lớn nhất đang đặt ra cho ngành chế biến gỗ là nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng nguồn nguyên liệu và chuỗi liên kết cũng là những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Khan hiếm nguồn nhân lực

Trong vài năm trở lại đây cùng với mức tăng trưởng “nóng”, ngành chế biến gỗ đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực, bao gồm cả lao động phổ thông lẫn đội ngũ kỹ sư.

Chia sẻ về thực trạng trên, ông Lê Xuân Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc nội thất NANO, Chủ tịch Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai cho biết, với chỉ số tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu ở mức cao hiện nay, đòi hỏi số lượng lao động trực tiếp cũng phải tăng theo tỉ lệ thuận. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp rất khó tuyển người, cả công nhân lẫn kỹ sư. Nguyên nhân là do số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tạo nên sự cạnh tranh trong thu hút lao động, kéo giá nhân công khởi điểm tăng thêm từ 10 -20%.

Theo ông Lê Xuân Quân, mặc dù đã chấp nhận trả lương cao hơn nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển được đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất do người lao động ngày càng có nhiều lựa chọn việc làm hơn trong khi ngành chế biến đồ gỗ được coi là công việc khá nặng nhọc, môi trường làm việc ít cạnh tranh so với các ngành thương mại, dịch vụ khác. Cả nước chỉ có 4 trường đại học đào tạo chuyên ngành chế biến lâm sản, chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm chỉ khoảng 300 sinh viên và 7 trường dạy nghề với khoảng 600 học viên. Đó là lý do đội ngũ kỹ sư lâm nghiệp, kỹ sư chế biến gỗ đang thiếu trầm trọng, doanh nghiệp phải tự đào tạo, vừa tốn chi phí vừa mất thời gian.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Scansia Pacific nêu vấn đề, với đà phát triển nhanh, nhu cầu nhân lực của ngành gỗ không chỉ là lao động phổ thông mà cần ở tất cả các khâu từ thiết kế, sáng tạo đến kinh doanh, marketing, tài chính…

"Khác với quan điểm cho rằng doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ để giảm áp lực về lao động, các doanh nghiệp ngành gỗ muốn ứng dụng công nghệ càng cần có nhân lực, đặc biệt là lao động có tay nghề, có khả năng vận hành hiệu quả dây chuyền sản xuất mới. Lao động có tay nghề ngày càng hiếm, sự cạnh tranh gia tăng khiến doanh nghiệp khó giữ chân lao động có kinh nghiệm trong khi chưa có giải pháp thu hút lứa lao động kế cận đã tạo ra gọng kìm đối với ngành chế biến gỗ Việt Nam.", ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành gỗ đang “khát” nhân lực ở mọi trình độ. Điều đó xuất phát từ quan điểm cho rằng ngành gỗ là phá rừng, thợ mộc là lao động chân tay dẫn đến ít người quan tâm đến ngành học này. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo khung còn nặng về lý thuyết, các trường thiếu cơ sở vật chất phục vụ thực hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Do đó số lượng lao động ngành gỗ vốn đã ít ỏi, khi ra trường lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Chế biến gỗ tại nhà máy của Công ty TNHH Vũ Thịnh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ đang thu hút khoảng 500.000 lao động trực tiếp; trong đó, lao động có trình độ đại học, kỹ sư chỉ chiếm khoảng 2 - 3%, công nhân kỹ thuật khoảng hơn 25%, còn lại là lao động phổ thông. Lực lượng lao động thiếu về lượng, yếu về chất nên năng suất lao động của ngành gỗ Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% của Trung Quốc và bằng 20% của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, nhu cầu thực tế về lao động ngành chế biến gỗ, nội thất trong năm 2020 ước tính khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và khoảng 267.000 công nhân kỹ thuật; dự kiến đến năm 2025 nhu cầu nguồn nhân lực tương ứng là gần 107.000 người có trình độ đại học và trên đại học cùng với 445.000 công nhân kỹ thuật.

Tổ chức sản xuất – chế biến còn lỏng lẻo

Diện tích rừng trồng và sản lượng gỗ nguyên liệu không ngừng tăng lên trong những năm qua đã tạo nền tảng khá tốt để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư chế biến. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên liệu gỗ trong nước mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Năm 2019, xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam đạt hơn 1,7 tỷ USD nhưng ngược lại Việt Nam cũng phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ nguyên liệu trị giá hơn 2,5 tỷ USD phục vụ chế biến. Cùng với đó, chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm, gỗ còn non.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, chủng loại và chất lượng nguyên liệu gỗ của Việt Nam còn hạn chế. Cây trồng chủ lực mới chỉ có cao su và tràm, chưa đáp ứng được nguyên liệu sản xuất các mặt hàng cao cấp. Hiện nay tình trạng “bán lúa non” nguyên liệu vẫn còn phổ biến, tỉ lệ gỗ rừng trồng phục vụ cho ngành dăm (có giá trị thấp) vẫn cao, phá vỡ tổng thể quy hoạch rừng trồng của cả nước.

Cùng chung nhận định, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương phân tích, sở dĩ chất lượng gỗ rừng trồng của Việt Nam, nhất là gỗ tràm có chất lượng không cao do được trồng theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc nên khối lượng rất dồi dào nhưng lại không đồng nhất, chủ yếu là chất lượng thấp, tỷ lệ gỗ hao hụt trong quá trình chế biến khá cao.

Theo ông Điền Quang Hiệp, chu kỳ khai thác gỗ từ cây rừng trồng là 7 năm, với 4,3 triệu ha rừng trồng hiện có, khả năng cung ứng gỗ nguyên liệu trong nước chỉ đạt gần 27 triệu m3 gỗ quy tròn. Một điều đáng lưu ý là theo chu kỳ khai thác của cây cao su, sản lượng gỗ khai thác từ các vườn cao su trong giai đoạn 2020-2025 sẽ giảm nhiều gây ảnh hưởng lớn tới nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng thời gian tới. Trong khi đó, để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20 tỷ USD đòi hỏi nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước phải tăng gấp đôi hiện nay, tức phải đạt khoảng 50-55 triệu m3 gỗ quy tròn.

Cùng với chất lượng nguồn gỗ nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại khi Việt Nam chưa thiết lập được liên kết chuỗi về nguyên liệu – chế biến do sản xuất nhỏ lẻ và không tập trung. Chi phí cho việc vận chuyển gỗ từ nơi sản xuất đến chế biến còn cao làm tăng giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam thường có xu hướng tự tìm nguồn nguyên liệu và tự sản xuất sản phẩm hoàn thiện mà chưa có tư duy chuyên môn hóa theo công đoạn và kết nối thành chuỗi dài.

"Do duy trì hoạt động đơn lẻ nên các doanh nghiệp Việt khó tạo được sự đột phá về giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp FDI. Sản xuất độc lập, thiếu liên kết giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả các thị trường ngách, số lượng nhỏ nhưng cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp  khó có khả năng cung ứng các đơn hàng số lượng lớn, sản xuất đại trà” ông Nguyễn Chánh Phương nhấn mạnh.

Bài cuối: Tháo gỡ các nút thắt

Xuân Anh (TTXVN)
Đột phá tăng trưởng ngành gỗ - Bài 1: Dư địa lớn
Đột phá tăng trưởng ngành gỗ - Bài 1: Dư địa lớn

Ngành chế biến gỗ và nội thất đặt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 và xa hơn là trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn của thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN