Cũng như một số địa phương, Đồng Nai nằm ở cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có số lượng lớn các khu công nghiệp đang chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích trên 10.240 ha; trong đó, có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng. Các khu công nghiệp tại Đồng Nai đã cho thuê được hơn 5,8 nghìn ha trên tổng số 7,1 nghìn ha diện tích đất công nghiệp, đạt 81,7%.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, riêng từ đầu năm 2020 đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn đã cho thuê được 50,3 ha, tập trung tại các khu công nghiệp: Nhơn Trạch 6, Lộc An - Bình Sơn, Dầu Giây, An Phước và Giang Điền.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, hiện nay do quỹ đất cho thuê tại các khu công nghiệp không còn nhiều, do vậy trong thu hút đầu tư, đơn vị này luôn giám sát và định hướng các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tập trung lựa chọn các dự án có suất vốn đầu tư cao, thân thiện với môi trường và sử dụng lao động phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Khu công nghiệp Dầu Giây cho biết, sau khi hết thời hạn giãn cách xã hội, vào tháng 5/2020, một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến khảo sát để đầu tư vào Khu công nghiệp Dầu Giây. Đây là tín hiệu khả quan hơn so với 5 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư FDI trên địa bàn đạt 490 triệu USD; trong đó cấp mới 37 dự án với vốn đăng ký hơn 112 triệu USD, điều chỉnh vốn 48 dự án với vốn bổ sung 386,7 triệu USD.
Điển hình một số dự án lớn như: dự án Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai, số vốn đầu tư 20 triệu USD, tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn; dự án Công ty TNHH Schaffler Việt Nam, với số vốn đầu tư 50 triệu USD; dự án Công ty Chang Shin Việt Nam TNHH với số vốn đầu tư 87,4 triệu USD.
Để chủ động đón dòng vốn FDI mới, Đồng Nai đã và đang quy hoạch phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới gồm: Khu công nghiệp Phước Bình (huyện Long Thành), Khu công nghiệp Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và Khu công nghiệp Gia Kiệm (huyện Thống Nhất). Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang được đề xuất mở rộng như: khu công nghiệp Amata, An Phước, Long Đức, Tân Phú, Xuân Lộc, Hố Nai, Sông Mây, Long Khánh.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc thành lập mới và mở rộng các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm đón dòng vốn đầu tư chất lượng, những dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tháng 5/2020 vừa qua, ông Cao Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng kết nối liên vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai, hệ thống cảng logistics để tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh hơn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị trước mắt đẩy nhanh thực hiện dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, các tuyến vành đai 3, vành đai 4.
Với hệ thống giao thông kết nối hiện hữu cùng hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai như sân bay quốc tế Long Thành, hệ thống cụm cảng nước sâu trên sông Thị Vải, sông Đồng Nai, tuyến đường sắt và cao tốc Vũng Tàu - Biên Hòa, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông... đang là những lợi thế để Đồng Nai thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư FDI mới đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam.