Đồng Nai chỉ còn 7.000 (1%) hộ nghèo

Nhằm tạo điều kiện cho những hộ cận nghèo được tiếp cận với các chính sách ưu đãi, vươn lên phát triển kinh tế, kỳ họp của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII ngày 27/9, đã thông qua Nghị quyết nâng chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020.

 

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo, năm 2014, ước tỉ lệ hộ nghèo tại Đồng Nai giảm xuống còn 1% (khoảng 7.000 hộ). Kết quả này giúp tỉnh hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững trước 2 năm so với dự kiến. Tuy nhiên, thực tế trên, địa bàn Đồng Nai vẫn có nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Bên cạnh đó, rất nhiều hộ cận nghèo cần được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, nếu không sẽ trở thành hộ nghèo. Một ví dụ điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (ấp Bùi Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom).

 

Một hộ dân tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai được hỗ trợ phát triển chăn nuôi để thoát nghèo.Ảnh: Báo đồng nai

 

Chồng mất, chị Thanh một mình nuôi hai con nhỏ. Do sức khỏe yếu, không thể làm công việc nặng, nên chị Thanh nhận trông trẻ ở nhà, mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, theo quy định thì với thu nhập này, gia đình chị Thanh chưa thuộc diện hộ nghèo của tỉnh Đồng Nai. Chị Thanh chia sẻ: “Chắt chiu lắm gia đình tôi mới đủ ăn hàng ngày, những lúc con ốm lại phải đi vay mượn. Ngôi nhà làm từ hơn chục năm trước, giờ tường tróc, mái dột, không có tiền sửa. Khó khăn thế nhưng địa phương vẫn không xếp gia đình tôi vào diện hộ nghèo, nên không được hưởng ưu đãi, chính sách gì, cũng không được vay vốn làm ăn để tìm cách thoát nghèo”.


Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, trong số 7.000 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, có gần một nửa là hộ nghèo B (hộ nghèo không có điều kiện thoát nghèo). Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có hàng nghìn gia đình trong tình trạng cận nghèo. Điểm chung ở những gia đình này là thiếu tư liệu sản xuất, vốn, không có khả năng lao động.

Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai: Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2015 - 2020, tại Đồng Nai, hộ nghèo sẽ là gia đình có mức thu nhập bình quân từ 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn và hộ có thu nhập dưới 1,2 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Gia đình cận nghèo có thu nhập bình quân từ 1 triệu đồng - 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và hộ có mức thu nhập từ 1,2 triệu - gần 1,6 triệu đồng/người/tháng ở thành thị.


Với chuẩn nghèo mới này, những gia đình như chị Nguyễn Thị Thanh và hàng chục ngàn gia đình khác tại Đồng Nai sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, sửa chữa nhà; đồng thời được hỗ trợ từ các chính sách về y tế, giáo dục; giúp họ có cơ hội cải thiện cuộc sống hơn, nhằm bảo đảm duy trì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ở mức thấp và hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo.


Theo ước tính của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, khi áp dụng tiêu chí hộ nghèo mới, trên địa bàn tỉnh sẽ có từ 54.000 - 56.000 hộ nghèo (khoảng 212.000 người nghèo) và trên 23.000 hộ cận nghèo (khoảng 91.000 người cận nghèo). Do số hộ nghèo tăng lên, nên từ năm 2015 - 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ chi trên 2.530 tỷ đồng để giúp hộ nghèo có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các chính sách hỗ trợ về y tế, tín dụng, giáo dục, nhà ở, việc làm... Đặc biệt, tỉnh sẽ giảm dần các chính sách trợ cấp, tăng thêm các chương trình như hỗ trợ cây con giống, đào tạo nghề để khuyến khích người nghèo chủ động trong sản xuất.


Công Phong

Lấp khoảng trống chính sách tín dụng giảm nghèo
Lấp khoảng trống chính sách tín dụng giảm nghèo

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân và tổ chức. Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN