Chạy nước rút
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), trong thời gian cao điểm kể từ đầu tháng 1/2023 đến hết tháng 3/2023, ngư dân các địa phương có biển phải chấm dứt hành vi khai thác bất hợp pháp, không theo quy định. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận cũng ráo riết tuyên truyền để ngư dân nắm rõ và hiểu sâu về các quy định chống khai thác bất hợp pháp, tạo sự an toàn trong hoạt động nghề nghiệp trên biển.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian cao điểm chống khai thác bất hợp pháp, tỉnh Ninh Thuận tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền Luật thủy sản và nâng cao ý thức kỉ luật khi khai thác cá ở vùng biển khơi với khoảng 600 ngư dân. Cụ thể, Chi cục thủy sản Ninh Thuận phối hợp với các lực lượng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân.
Đồng thời, Chi cục thủy sản tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Phòng kiểm ngư của Chi cục cũng tổ chức kiểm tra xuất nhập cảng đối với ngư dân tham gia khai thác.
Tại mỗi lớp tuyên truyền, Chi cục thủy sản Ninh Thuận kết hợp phát tờ rơi, sổ tay pháp luật biển cho ngư dân, trong đó in các quy định của Luật thủy sản 2017, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục những cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, Nghị định số 42/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nhằm giúp ngư dân vươn khơi an toàn.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các đơn vị liên quan ráo riết tuyền truyền trong thời điểm nước rút này. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: thời gian qua, các đơn vị đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố tuyến biển tuyên truyền kết hợp các biện pháp, như: thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, sổ tay pháp luật về các nội dung khai thác thủy, hải sản đúng pháp luật và không vi phạm khai thác bất hợp pháp, ngăn chặn, kêu gọi quay về vùng biển Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo IUU Bộ Quốc phòng chia sẻ, trong thời gian qua, các đơn vị Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển đã tổ chức duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác bất hợp pháp, sử dụng phương tiện thông tin trực tiếp thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng yêu cầu 844 lượt tàu cá Việt Nam lấn sang vùng biển nước ngoài quay về vùng biển Việt Nam để tránh vi phạm Luật Thủy sản.
Hoàn tất thủ tục pháp lý
Để có thể hoàn tất 180 ngày hành động chống khai thác bất hợp pháp, chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu vào cuối tháng 3/2023, nhiều địa phương cũng đang hỗ trợ ngư dân hoàn tất các thủ tục pháp lý còn thiếu, để tạo điều kiện cho ngư dân thuận lợi trong hoạt động khai thác hải sản, sản xuất trên biển.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hơn 5 năm qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh cùng với các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Hầu hết ngư dân Bến Tre đã thực hiện tốt quy định của nhà nước trong khai thác thủy sản như lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trên tàu, thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, ghi chép nhật ký khai thác, đưa tàu về cảng lên cá…
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ngư dân không có bằng thuyền trưởng hoặc văn bằng chứng chỉ theo quy định, không mang theo giấy tờ phương tiện, không làm hồ sơ cấp giấy phép khai thác, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… còn diễn ra, nhiều trường hợp đã bị xử phạt.
Tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương có lượng tàu cá khai thác trên biển lớn nhất nhì cả nước với hàng ngàn ngư dân bám biển, loại hình khai thác chủ yếu là lưới cào. Nhiều năm qua, tỉnh không cấp giấy phép đóng mới tàu lưới cào và đã xóa đăng ký 402 tàu vì không còn hoạt động khai thác thủy sản; trong đó, vùng khơi 67 tàu, vùng lộng 45 tàu, vùng ven bờ 290 tàu…
"Nếu như tàu cá và ngư dân Việt Nam tiếp tục khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nguy cơ bị Ủy ban châu Âu áp cảnh báo "thẻ đỏ" là rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành thuỷ sản Việt Nam, làm thiệt hại lớn đến kinh tế quốc gia. Các sản phẩm khác của Việt Nam dù không phải là thủy sản cũng sẽ bị ảnh hưởng, khó tiếp cận thị trường châu Âu", ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
Ngư dân tỉnh Kiên Giang và Bến Tre cũng đồng lòng trong 180 ngày hành động này. Theo bà Trần Thị Lý, ngư dân tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cộng đồng ngư dân cũng cần sự hỗ trợ từ phí Chính phủ trong việc hỗ trợ giãn nợ vay ngân hàng, để ngư dân có thể xoay xở dòng vốn đi biển, tuân thủ tốt chống khai thác bất hợp pháp, tuân thủ các điều kiện của Ủy ban châu Âu.
"Trước những mong muốn của ngư dân, tỉnh Kiên Giang cũng đã cam kết sẽ có những giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân như: kiến nghị Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu chấp hành chủ trương, đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu cố tình vi phạm, công bố danh sách chủ tàu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng", ông Lê Quốc Anh cho biết.