Những lĩnh vực ĐBSCL tập trung kêu gọi vốn FDI theo hướng ưu tiên là các dự án công nghệ cao, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế năng động, trong vùng có 1 thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Được mệnh danh là vựa lúa, cá và trái cây của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đang bứt phá thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tương xứng với tiềm năng, vai trò, vị trí của vùng.
Từ đất lành Long An
Trong thời gian gần đây, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở vùng ĐBSCL có những chuyển biến tích cực. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, vùng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực chú ý. Vùng đã thu hút được nhiều dự án lớn với mức vốn hàng tỷ USD, có sức lan tỏa nhằm tạo động lực bứt phá, tạo hướng đi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển cho vùng.
Nổi lên nhất trong vùng ĐBSCL là tỉnh Long An, một địa phương điển hình luôn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, hoạt động. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh hiện là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Trong suốt quá trình phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh tăng mạnh, nhất là nhà đầu tư FDI không ngừng tăng cả về số dự án và số vốn. Các dự án FDI chủ yếu tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
"Với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Long An luôn thực hiện bằng hành động cụ thể, lắng nghe, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, hoạt động trên địa bàn". Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út khẳng định.
Long An cũng là tỉnh có rất nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, là cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh Tp. Hồ Chí Minh, kết nối miền Đông và Tây Nam Bộ. Diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê tương đối lớn, hệ thống hạ tầng đường biển, đường bộ thuận tiện, nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc đi qua địa bàn. Long An luôn chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông để phục vụ phát triển cũng như thu hút đầu tư.
"Long An có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh. Cùng với chiến lược thu hút đầu tư hợp lý, tỉnh trở thành điểm sáng, đất lành cho các nhà đầu tư cập bến", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Liếp cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ khi Long An được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho dự án FDI đầu tiên, đến nay, tỉnh là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là vốn FDI. Nếu so sánh, tính từ những năm 2000, các nhà đầu tư FDI mới thật sự bắt đầu chú ý đến Long An thì trong giai đoạn 2005-2006, tỉnh đã thu hút được gần 100 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 400 triệu USD. Đây là những viên gạch đặt nền móng vững chắc cho tỉnh đối với thu hút đầu tư FDI giai đoạn sau này.
Trong suốt quá trình phát triển, thu hút đầu tư của Long An tăng mạnh, nhất là nhà đầu tư FDI không ngừng tăng cả về số dự án và số vốn. Các dự án FDI này đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh hơn 1.300 dự án, vốn đầu tư hơn 11,2 tỷ USD; trong đó, có 635 dự án đi vào hoạt động, vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ USD.
Đến điểm sáng Bạc Liêu
Nếu như Long An là đất lành nằm trong tốp những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn FDI nhất, luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL, thì Bạc Liêu là điểm sáng đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong năm 2024, đồng thời thể hiện quyết tâm cao trong việc tập trung các nguồn lực, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra cho cả nhiệm kỳ.
Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức họp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để thông tin về tình hình kinh tế – xã hội và những định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh; trao đổi với doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh; giải đáp các kiến nghị, tìm hướng giải quyết phù hợp, đúng pháp luật để bảo đảm quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
Bạc Liêu xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 để kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến nay, Bạc Liêu đã thu hút đầu tư được 199 dự án; trong đó, có 182 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 65.065 tỷ đồng, 17 dự án nước ngoài, tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD.
Đồng thời, Bạc Liêu tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thủy sản; trong đó, chú trọng đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu. Tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh mời gọi đầu tư, huy động các nguồn vốn cho phát triển công nghiệp chế biến thủy sản.
"Năm 2024, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chương trình, kết luận, kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025), tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Thời gian về đích cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 không còn nhiều, những bứt phá trong năm 2024 chính là yếu tố mang tính quyết định để tạo sự thay đổi mà tỉnh quyết tâm thực hiện, đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định.
Bài cuối: Chiến lược thu hút