Đồng bằng sông Cửu Long khôi phục sau giãn cách - Bài cuối: Những tín hiệu tích cực

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi nhiều lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất và cung ứng hàng hóa bị đình trệ, các doanh nghiệp đã cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động; dự án đầu tư chậm tiến độ.

Khó khăn chung là vậy, nhưng nền kinh tế của các địa phương vẫn có những tín hiệu tích cực, tạo điểm tựa lấy lại đà tăng trưởng.

Có những “gam màu sáng”

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Thực tế thời gian qua cho thấy, dù có nhiều bất lợi nhưng bức tranh kinh tế của tỉnh Cà Mau vẫn có nhiều gam màu sáng, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt 797,5 triệu USD; hơn 300 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 3.771 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Tín hiệu đáng mừng nữa là ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, vốn là mũi nhọn của nền kinh tế địa phương, thì hiện tại các nước châu Âu và Mỹ đang dần dỡ bỏ phong toả, cùng với việc chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp lễ, tết cuối năm nên nhu cầu tôm đang phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… cùng với giá tôm xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, tiếp tục tạo nhiều lợi thế khi xuất khẩu qua các thị trường tăng cao.

Hiện tại một số tỉnh, thành phố phía Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước nới lỏng một số biện pháp giãn cách, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử như từ ngày 15/9, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái “bình thường mới” trong thực hiện áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Sóc Trăng là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng nuôi tôm lớn trong cả nước. Tính đến thời điểm này, ngành tôm Sóc Trăng cơ bản đã vượt qua những thử thách trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo việc phòng, chống COVID-19; khó khăn được tháo gỡ kịp thời cùng những tín hiệu lạc quan của thị trường trong và ngoài nước đang là những cơ hội tốt để người nuôi tôm và các công ty, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng yên tâm phục hồi chuỗi sản xuất trong những tháng còn lại của năm 2021.

Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu thả nuôi tôm nước lợ trên 51.000 ha; trong đó, tôm sú trên 16.000 ha và tôm thẻ chân trắng trên 35.000 ha. Sản lượng tôm cả năm dự kiến đạt trên 172.000 tấn; trong đó, tôm sú đạt 24.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt trên 148.000 tấn.

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long phải gồng mình chống dịch, vừa phải đảm bảo hài hòa cả hai yếu tố sản xuất đi liền với phòng chống dịch bệnh. Để vượt qua được thì yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp lúc này là sự thích ứng. Các doanh nghiệp ở Sóc Trăng thực hiện tốt chuỗi giá trị, từ khâu nuôi đến điều kiện nhà xưởng, quản lý... do vậy khi có biến động vẫn không bị tác động nhiều. 

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Sao Ta, một trong những doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu tôm hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng và của cả nước, việc thực hiện 5K ít nhiều làm giảm năng suất và tăng nhẹ chi phí. Vượt qua những khó khăn và thách thức, đến nay, tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp ổn định, vượt kế hoạch đề ra. Đến cuối tháng 9 này, các dây chuyền chế biến tôm của doanh nghiệp đang hoạt động hết công suất. Suốt quá trình phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng không có doanh nghiệp chế biến tôm nào đóng cửa, chỉ thu hẹp quy mô sản xuất. Nhờ phòng chống dịch có hiệu quả, tỉnh Sóc Trăng trở thành trụ đỡ của ngành tôm trong lúc khó khăn nhất.

Theo kết quả kinh doanh của Công ty Thực phẩm Sao Ta vừa được công bố, sản lượng tôm chế biến đạt 2.499 tấn, doanh số đạt 21,7 triệu USD trong tháng 9, tăng 21,2% so cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng doanh thu đạt 154,6 triệu USD, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2020 và đạt 77,3% kế hoạch năm 2021. Ông Hồ Quốc Lực đánh giá, nếu tình hình này giữ vững, công ty tự tin sẽ tăng tốc trong 3 tháng cuối năm và tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 với doanh số 200 triệu USD, lợi nhuận 250 tỷ đồng.

Phát huy thế mạnh

Chú thích ảnh
Nông dân Sóc Trăng thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Ảnh minh họa: Chanh Đa/TTXVN

Với những lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản… các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất, kinh doanh; trong đó, tập trung phát triển các thế mạnh vốn có của mình, nhất là trong bối cảnh hậu dịch COVID-19.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến đầu tháng 10/2021, tỉnh đã xuống giống được 327.825 ha lúa; thu hoạch 326.196 ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 9,8% so cùng kỳ. Tỉnh có 73 doanh nghiệp đã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích gần 62.000 ha lúa, tăng 68%. Các địa phương trong tỉnh đã thả nuôi được 66.930 ha thủy hải sản các loại, đạt 90,45% kế hoạch, tăng 4,46% so cùng kỳ; trong đó, diện tích tôm nước lợ 45.526 ha, tăng 3,89%. Ước tổng sản lượng thủy hải sản thu hoạch 9 tháng là 246.445 tấn, đạt 76,3% chỉ tiêu của tỉnh, tăng 9,42%.

Với điều kiện dịch bệnh tạm ổn và đà tăng trưởng sản xuất kinh doanh đang phục hồi, khả năng cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng sẽ đạt trên 1,15 tỷ USD.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tỉnh đã đạt kết quả rất tốt trong việc phòng, chống dịch COVID-19; trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực bước vào trạng thái "bình thường mới". Tỉnh đã phục hồi sản xuất được trên 80% so với thời điểm trước khi có dịch; các doanh nghiệp trong tỉnh phục hồi sản xuất gần như 100%, có doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua đã gần đạt kế hoạch cả năm, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như: sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu… đều đạt trên 90% kế hoạch năm 2021. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, từ nay đến cuối năm các địa phương cần tuyên truyền để người dân lấp nhanh diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nhằm chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu đáp ứng cho xuất khẩu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong tỉnh đã có nhiều đề xuất đối với UBND tỉnh trong việc tận dụng nguồn lực lao động ngoài tỉnh trở về. Nếu việc chuẩn bị tốt thì đây sẽ là điều kiện để giải quyết việc làm cho lao động đạt hiệu quả.

Để tạo sự liên kết, hợp tác để hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, 7 tỉnh, thành Nam Sông Hậu gồm: thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau dự kiến sẽ tổ chức hội nghị liên kết, phối hợp về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Theo đó, sẽ có 6 lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo tỉnh, thành khu vực Nam Sông Hậu thảo luận gồm: y tế, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải và lao động việc làm. Việc liên kết, hợp tác hướng đến phát triển mang tính chiến lược, lâu dài, phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạng của từng địa phương, đảm bảo mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế hiệu quả".

Với những nội dung, định hướng quan trọng sẽ được thảo luận tại hội nghị liên kết, hợp tác sẽ góp phần tạo tiền đề để các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng thời kỳ hậu đại dịch COVID -19.

Chanh Đa - Công Mạo - Thế Anh - Thu Hiền (TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long khôi phục sau giãn cách - Bài 3: Tiếp sức doanh nghiệp
Đồng bằng sông Cửu Long khôi phục sau giãn cách - Bài 3: Tiếp sức doanh nghiệp

Trải qua một giai đoạn "mệt mỏi", kiệt quệ do dịch COVID-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp rất nhiều khó khăn chung như bao doanh nghiệp trong cả nước hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN