Doanh nghiệp vẫn ‘ngóng’ vốn để hồi phục sau bão

Cơn bão số 3 đã gây ra hậu quả nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp ở 26 tỉnh thành phố phía Bắc, khiến không ít doanh nghiệp đang mong mỏi chính sách cơ cấu nợ, nguồn vốn, để sớm có cơ hội hồi phục sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp “khát” vốn  

Chú thích ảnh
Ông Đỗ Việt Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Taseco.

Tại Tọa đàm "Khắc phục hậu quả bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?" do báo Tiền phong tổ chức ngày 1/10, ông Đỗ Việt Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Taseco cho biết: Doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều tòa nhà ven biển. Tòa nhà ở Quảng Ninh đặt toàn bộ kính chất lượng tốt nhất, nhưng sau bão số 3, tất cả về con số 0. Thiệt hại của doanh nghiệp lên tới hàng trăm tỷ đồng, đây chỉ là con số trước mắt, nếu phục hồi chậm, doanh nghiệp sẽ mất nhiều cơ hội hồi phục, nhất là về dòng tiền, chi phí nhân công... 

“Doanh nghiệp dự kiến phải mất từ 3 - 3,5 tháng mới hoạt động trở lại. Taseco mong mỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất”, ông Đỗ Việt Thanh kiến nghị.

Bên cạnh đó, việc bồi thường bảo hiểm cũng đang gặp khó khăn. Ngày 8/9, Taseco đã có văn bản gửi doanh nghiệp bảo hiểm để kiểm tra, phía công ty bảo hiểm đã cử nhân viên thẩm định, làm thủ tục, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Các khách hàng mua nhà của Taseco đang mong mỏi từng ngày nhận được hỗ trợ từ ngân hàng. Doanh nghiệp cũng đã gửi văn bản đến 35 chi nhánh ngân hàng đề xuất được miễn giảm lãi vay cho khách hàng mua nhà, nhưng đến nay, mới có 1 chi nhánh ngân hàng phản hồi sẽ hỗ trợ...

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hạ Long.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hạ Long chia sẻ, sau bão, doanh nghiệp khẩn trương cơ bản xử lý các thiệt hại, để sớm ổn định đời sống người dân. Công ty có 123 căn chung cư bị ảnh hưởng, toàn bộ thang máy, chỗ đỗ và hệ thống cây xanh... đều bị hư hại...

Chú thích ảnh
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản: "Hỗ trợ càng nhanh càng tốt".

Đề cập vấn đề này, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ, những doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh và Hải Phòng bị thiệt hại lớn nhất, ước tính có khoảng 14.000 lồng bè nuôi cá, tôm… trị giá trên 6.000 tỷ đồng bị mất trắng. Bão đã qua hơn 20 ngày, nhưng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chưa thể khôi phục...

Cần có chính sách chuyên biệt hỗ trợ

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam: "Cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng chống thiên tai".

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất: “Cần có cơ chế, chính sách chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, nhất là nhưng người dân bị mất trắng tài sản. Các chính sách, thủ tục để giãn, hoãn tiền thuế, giảm lãi suất… cần được các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương triển khai, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh, các doanh nghiệp đang chạy nước rút, đảm bảo cho các đơn hàng cuối năm".

Chú thích ảnh
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), NHNN sẽ có Thông tư cơ cấu nợ cho khoản vay bị thiệt hại do bão. Ngoài việc đề nghị các NHTM chủ động giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách vay, NHNN sẽ báo cáo Chính phủ cho giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Với các khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, theo Nghị định 55/CP, khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay. Đặc biệt, chính sách hiện nay cũng cho phép khoanh nợ tối đa 2 năm để hỗ trợ khách hàng.

“Đối với các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi bão lũ, NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng; đồng thời, trình Chính phủ ban hành quyết định giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trước ngày 3/10, các tổ chức cá nhân gửi ý kiến về NHNN, sau đó Vụ Tín dụng sẽ tổng hợp gửi lãnh đạo NHNN và báo cáo Chính phủ. Sau khi Chính phủ có ý kiến, NHNN sẽ chỉ đạo triển khai trong toàn bộ hệ thống", bà Hà Thu Giang khẳng định. 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long:

TP Hạ Long đã ban hành văn bản khắc phục thiệt hại và kế hoạch tái thiết thành phố. Trong 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp ngắn hạn, với nguồn lực gần 500 tỷ đồng. Năm 2025, thành phố tập trung triển khai các giải pháp tái thiết công trình trọng điểm. TP Hạ Long đang làm việc với ngành ngân hàng, thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đề nghị cơ quan Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp có tàu du lịch bị đắm...

Bài, chùm ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi cơn bão lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN