Mới có 2% doanh nghiệp tìm hiểu về CPTPP
Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN giảm 14% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu sang thị trường EU giảm 8,8%; xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 2,3%, thì xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: Xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%...
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, về xuất khẩu, CPTPP đã bước đầu đem lại tín hiệu tích cực. Năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản sang các thành viên đã thực thi CPTPP có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm. Một số thị trường mới như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico, thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng được các cam kết ưu đãi về thuế quan mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Cùng với đó, trong hoạt động thu hút đầu tư, năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về vốn đầu tư đến từ những nước chưa có quan hệ FTA với Việt Nam như Canada và Mexico.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng thẳng thắn thừa nhận, cơ hội, dư địa thị trường từ CPTPP còn lớn, song thực chất Việt Nam chưa tận dụng hết. Ông Khanh dẫn chứng, theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện chỉ có 43/63 tỉnh thành của nước ta có quan hệ thương mại với các nước thành viên CPTPP. Đặc biệt, đối với hai thị trường là Mexico và Canada, chưa đến 10 tỉnh thành.
Cũng theo ông Khanh, năm 2019 có 577 hội thảo, hội nghị về CPTPP đã được tổ chức trên toàn quốc. Đây là con số khổng lồ, tính ra trung bình 1 ngày 2 hội thảo, hội nghị. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang Mexico và Canada còn khiêm tốn.
“Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), số DN tìm hiểu kỹ về CPTPP, thị trường các nước thành viên CPTPP thì chỉ có 2%. Trong khi đó, CPTPP là hiệp định phức tạp nhất mà chúng tôi từng đàm phán, thậm chí có một số điểm trong CPTPP còn phức tạp hơn cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)", ông Khanh nói.
Cơ hội tăng xuất khẩu sang CPTPP đang rất lớn
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa mặn mà và tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP là do khâu tuyên truyền, quảng bá chưa hiệu quả.
“Gần 600 hội nghị mà chưa đạt kết quả, vì các hội nghị chủ yếu về chiến lược, nội dung CPTPP không đi cụ thể vào từng lĩnh vực, ngành hàng. Doanh nghiệp phản ánh không nhận được những thông tin mong muốn về các thị trường muốn tìm hiểu. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền không có sự tương tác sâu giữa chuyên gia-doanh nghiệp...”, ông Ngô Chung Khanh lý giải.
Ngược lại, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế. Thống kê số câu hỏi nhận được từ trang web về CPTPP suốt 1 năm qua chỉ khoảng 15-16 câu hỏi. Khi cơ quan quản lý gửi thông tin về khóa thảo luận trực tuyến về CPTPP, sự hưởng ứng của doanh nghiệp cũng không nhiều. Vì vậy, Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng các chương trình tập huấn chia theo lĩnh vực được quan tâm như thuế, tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ, dịch vụ đầu tư...
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, bên cạnh sự nỗ lực thay đổi của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động nhập cuộc để tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực, cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu và tận dụng được cơ hội từ các FTA.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết doanh nghiệp về các FTA, thì Chính phủ cần “chung tay” với doanh nghiệp trong cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, đại diện VCCI cũng kiến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro... Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hóa. Trong khi còn nhiều vấn đề phi thuế quan khác cần quan tâm. Nếu không nhanh chân chớp lấy cơ hội thì doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác.
CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, được đánh giá sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu khi các nước giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam.