Doanh nghiệp tin tưởng triển vọng tăng trưởng

Theo báo cáo mới nhất từ Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nhiều doanh nghiệp dự đoán 6 tháng cuối năm 2014 sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm 2014 nhờ các yếu tố tích cực: tồn kho giảm, lợi nhuận sẽ được cải thiện…


Môi trường kinh doanh được cải thiện


Theo báo cáo của VCCI, nhìn chung các yếu tố của tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 được các doanh nghiệp đánh giá là tốt hơn so với 6 tháng cuối năm 2013 mặc dù còn nhiều tồn tại chưa được cải thiện.

 

 

Dệt may là một trong những ngành có chỉ số sản xuất tăng cao.
Ảnh: Trần Việt- TTXVN


Theo đó, mức giá bán sản phẩm bình quân 6 tháng đầu năm 2014 giảm so với 6 tháng cuối năm 2013 mặc dù với tốc độ chậm lại, phản ánh một thực tế rằng các doanh nghiệp vẫn thực hiện các biện pháp giảm giá và tăng chiết khấu để thúc đẩy doanh số nhưng không còn giảm sâu và ồ ạt như năm 2013.


Điểm lạc quan khác trong các chỉ số đánh giá về tình hình sản xuất của doanh nghiệp là năng suất lao động bình quân được cảm nhận có xu hướng cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được rằng tăng trưởng không thể mãi dựa vào vốn mà phải dựa vào yếu tố năng suất lao động. Bên cạnh đó, năm 2014 doanh nghiệp dự đoán hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị tốt hơn rất nhiều so với năm 2013. Một trong những nguyên nhân mang lại sự cải thiện này có thể là do trong thời gian qua các doanh nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, các nguồn lực trong doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả hơn.


Bên cạnh đó, báo cáo của VCCI cho biết, doanh nghiệp đánh giá chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô cũng cải thiện thể hiện qua chất lượng của các quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp, sự cải thiện trong thái độ và ý thức trách nhiệm của các bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế.


Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS Cao Sỹ Kiêm cũng đánh giá: “Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ giữa năm 2012 đến nay, Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện và đồng bộ hóa các khung pháp lý nhằm tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách có hệ thống và thống nhất. Một số chính sách được doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả cao là các chính sách liên quan đến miễn, giảm và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. Đồng thời, Chính phủ cũng có nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, chính sách giảm lãi suất tín dụng được nhiều doanh nghiệp đánh giá đã có tác động tích cực đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn vì được vay với mức lãi suất mà doanh nghiệp có thể hấp thụ được...”


Làm rõ hơn về vấn đề tín dụng và lãi suất, một doanh nghiệp trong ngành da giày cho biết, mức lãi suất cho vay có thể thấp hơn sau hàng loạt đợt hạ lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước đã giúp doanh nghiệp bớt e ngại hơn trong việc tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, các thủ tục vay vốn và các điều kiện được vay vốn của ngân hàng được thông thoáng hơn.


Cần kích thích sức mua


Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện vẫn lo ngại về sức tiêu thụ và nhu cầu thị trường trong nước. Theo khảo sát của VCCI, trong 5 tháng đầu năm 2014, có khoảng 4,2% doanh nghiệp trả lời khảo sát phải tạm thời ngừng hoạt động. Thời gian ngừng hoạt động trung bình là 1,5 tháng, doanh nghiệp có thời gian ngừng hoạt động ngắn nhất là 0,5 tháng và dài nhất là 4 tháng. Doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời gian qua do không tìm được thị trường đầu ra chiếm tỷ lệ cao nhất (50%). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động lâu nhất (4 tháng). Điều này chứng tỏ làm thế nào để tiêu thụ được sản phẩm vẫn đang là một thách thức rất lớn cho doanh nghiệp.


Từ thực tế này, VCCI khuyến cáo, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để kích thích sức mua. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, theo VCCI, Chính phủ phải tăng cường biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra.


Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đưa ra khuyến nghị đặc biệt nhấn mạnh Chính phủ cần thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tốt hơn.


Trong khi đó, hiện nay, áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tăng vẫn cao. Do đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, xu hướng tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu là thách thức đối với sản xuất. Chính phủ cần có chính sách hiệu quả để tiếp tục kiềm chế lạm phát, kích thích sức mua thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng sản xuất của năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tập trung xây dựng và điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng điện, than, xăng dầu, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện. Huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư sản xuất công nghiệp, khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế... Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao trình độ sản xuất trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, vật tư nông nghiệp, hóa chất, công nghiệp nhẹ.

Đối với việc phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế. Đa dạng hóa diện mặt hàng xuất khẩu, rà soát lại diện hàng hóa xuất khẩu. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân và có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.

Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình cung cầu, thị trường các mặt hàng thiết yếu. Tích cực triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường nội địa, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần phát triển thị trường trong nước, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại.

 

 

 

Thu Hường

Làm rõ lý luận, thực tiễn thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Làm rõ lý luận, thực tiễn thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình tổ chức triển khai thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 21-NQ/TW).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN