Hai bộ đều quản lý mặt hàng đông trùng hạ thảo
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, tình trạng chung là trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; mỗi bộ, mỗi ngành mỗi kiểu. Doanh nghiệp mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, cách hiểu và cách triển khai giữa các bộ, ngành lại chưa thống nhất. Chưa kể, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều.
“Mỗi lần thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp phải tới nhiều cơ quan khác nhau để lấy số tiếp nhận mới đăng ký được hồ sơ hải quan. Mỗi lần như thế tốn rất nhiều chi phí. Những vướng mắc, bất cập về kiểm tra chuyên ngành cần có một đầu mối tiếp nhận thông tin để giải quyết cho doanh nghiệp, hạn chế việc doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi...”, ông Nguyễn Tất Thắng - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Advantage Logistics cho biết.
Ông Trương Đức Trọng - Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp rất nhiều vướng mắc trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, có 3 nhóm vấn đề nổi trội gồm: Tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục hải quan và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
“Khảo sát của VCCI cho thấy, có khoảng 38% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm phản ánh càng hoạt động, doanh nghiệp càng gặp bất cập về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu còn thiếu vắng phương thức cung cấp thông tin toàn diện. Doanh nghiệp lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài, thời gian kiểm tra và nội dung kiểm tra chồng chéo.
Một ví dụ điển hình khiến doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp “dở khóc, dở cười”, đó là mặt hàng đông trùng hạ thảo đang chịu sự quản lý của hai bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Y tế. Phía Bộ NN-PTNT cho rằng mặt hàng này có nguồn gốc thực vật, còn Bộ Y tế cho rằng đây là dược phẩm. Thậm chí có ý kiến trong Bộ NN-PTNT còn cho rằng, mặt hàng đông trùng hạ thảo có yếu tố động vật.
Nếu như trước năm 2021, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kính xây dựng nhập khẩu chỉ cần có giấy chứng nhận chất lượng của đơn vị thứ 3 được Bộ Xây dựng chỉ định, tờ khai được thông quan. Nhưng từ năm 2021 tới nay, ngoài việc có chứng nhận như trên, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cho Sở Xây dựng để ra “Kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu”. Điều này dẫn tới thời gian thông quan hàng hoá chậm hơn nhiều so với trước đây, ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp.
Thủ tục hải quan chỉ chiếm trên 30% thời gian giải phóng hàng
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, kết quả đo thời gian giải phóng hàng tại cửa khẩu chỉ có trên 30% thời gian thông quan liên quan đến thủ tục hải quan, còn lại của các bộ, ngành khác.
Thời gian qua, sự nỗ lực của ngành Hải quan trong chuyển đổi số, ứng dụng quy trình quản lý hiện đại để kéo giảm thời gian thông quan là rất đáng trân trọng. Cơ quan hải quan sẵn sàng lắng nghe để thay đổi và kết quả mang lại rất rõ rệt, được doanh nghiệp đánh giá cao. Ngành Hải quan đã xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo nghị định cơ chế quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên vẫn một số ý kiến khác nhau nên vẫn tiếp tục hoàn thiện.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai đề xuất: Nên nghiên cứu thực hiện kết nối điện tử cho việc đăng ký kiểm tra chất lượng và trả kết quả giữa các đơn vị kiểm tra, kiểm định và cơ quan hải quan để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Việc đăng ký và trả kết quả sau đó cơ quan hải quan kiểm tra trên hệ thống một cửa và thực hiện thông quan tờ khai hải quan. Ngoài ra, sau khi có kết quả kiểm tra, doanh nghiệp sẽ phải tự công bố hợp quy, hợp chuẩn để lưu thông hàng hoá. Đặc biệt, theo ông Hưng, nên giao cho một đầu mối là cơ quan hải quan căn cứ trên chứng thư công bố Quy chuẩn chất lượng của nhà sản xuất và bên thứ 3 là cơ quan kiểm định hàng hóa xuất nhập khẩu để hoàn thành các thủ tục thông quan, tiết giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Tổng cục Hải quan (đơn vị được giao soạn thảo) đã xây dựng dự thảo nghị định, tổ chức lấy ý kiến, tổ chức họp, hội thảo với các bộ, cơ quan, donah nghiệp để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Đầu năm, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu đơn giản hóa thủ tục hải quan với một số chỉ tiêu như giảm 10% thời gian thông quan, giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, giám định và chuyển đổi 100% chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang nộp điện tử thay cho bản in. Với chỉ tiêu nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá rủi ro, đảm bảo giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng năm 2023, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành rà soát lại các văn bản chỉ đạo về tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu.