Doanh nghiệp linh hoạt tận dụng lợi ích từ các FTA

Để tận dụng những lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp phải hiểu rõ hiệp định có thể mang lại thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, cho những mặt hàng của mình.

Qua đó, doanh nghiệp có thể thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và được hưởng mức thuế thấp mà FTA mang lại.

Chú thích ảnh
Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, lựa chọn nhiều mặt hàng có lợi thế sẽ tận dụng được các nguồn gốc xuất xứ cộng gộp trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) như mặt hàng dệt may, có thể cộng gộp nguồn nguyên liệu vải Hàn Quốc... Đây cũng là thuận lợi mà chỉ có Hiệp định EVFTA mới có thể đem lại.                       

Nhằm tạo điều kiện cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát, Quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa; triển khai ứng dụng công nghệ mới trong trao đổi thông tin quản lý để doanh nghiệp không phải thực hiện việc báo cáo quyết toán định kỳ với hải quan.

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, bằng nhiều biện pháp, ngành hải quan đã chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hoạt động xuất nhập khẩu và thông thương hàng hóa cho doanh nghiệp. Không chỉ có phân loại, phân luồng hàng hóa, xử lý hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu và nhanh chóng khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu sau thời gian tạm dừng..., ngành hải quan cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín, chấp hành tốt các quy định của pháp luật được phép miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, hàng hoá bằng cách thông quan qua luồng xanh áp dụng.  Đặc biệt, 100% các lô hàng xuất khẩu đều được thực hiện bằng phương thức điện tử cho nên thủ tục hành chính cũng rất thuận lợi, không phát sinh nhiều vướng mắc...

Khuyến nghị từ VCCI, bà Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của từng FTA tới cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt lưu ý phân loại theo từng nhóm, ngành lĩnh vực kinh tế cụ thể. Bằng nhiều hình thức đa dạng, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến về các cơ hội thị trường, cơ hội hợp tác liên kết kinh doanh; cũng như nội dung các cam kết quốc tế về thuế quan, về quy tắc xuất xứ ở mỗi loại FTA và nhắm tới từng đối tượng cụ thể như doanh nghiệp ngành, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Song song đó, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại hay kết nối thị trường và mở rộng giao thương giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. 

Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tự nâng cao nhận thức và hiểu biết; tìm kiếm các cơ hội và tìm hiểu kỹ các cam kết đã ký với cộng đồng kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, từng bước điều chỉnh để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, kỹ năng chuyên môn và trình độ quản lý của doanh nghiệp. Ngoài ra, thích nghi và linh hoạt hơn để nắm bắt các cơ hội trong chuỗi sản xuất để thúc đẩy hợp tác kinh doanh cũng như tranh thủ sự hậu thuẫn hỗ trợ từ Nhà nước, từ VCCI, từ các hiệp hội hay các tổ chức xã hội trong cùng lĩnh vực...

Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, ước tính tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.

Có được kết quả này chính là nhờ tác động tích cực của nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã chính thức phát huy hiệu lực, hiệu quả kể từ cuối năm 2020. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)... đã giúp Việt Nam mở rộng quy mô thị trường; gia tăng thặng dư thương mại và hưởng lợi lớn từ việc cắt giảm thuế quan sâu rộng cho các sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa Việt Nam khi bước chân sang các quốc gia thành viên khác.  

Đó thực sự là con đường cao tốc đưa hàng Việt đến với thế giới. Tuy nhiên, tham gia lưu thông trên hệ thống cao tốc ấy, đương nhiên cần tuân thủ các luật định, các biển báo hướng dẫn, các quy định để tổ chức vận hành, có như vậy mới đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam có sự chủ động để dấn thân, đủ kiến thức và hiểu biết để tham gia sâu, thu về hiệu quả và tránh những phiền phức, hệ lụy.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, qua nhiều cuộc khảo sát, có không ít doanh nghiệp phản ánh rằng, thông tin về các FTA được nghe nói nhiều, nhưng không biết sâu. Họ chỉ đánh giá được sự tích cực nếu Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu thông qua các FTA nhưng không đánh giá được rằng đó là những cơ hội tốt. Doanh nghiệp FDI thường quan tâm và hiểu biết về các FTA rõ và chắc chắn hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nhiều doanh nghiệp còn không nắm rõ được nhưng ích lợi về thuế quan khi xuất nhập khẩu, chưa nói tới những lợi ích về thể chế hay những kỳ vọng tương lai mà các FTA mang lại. Điều này không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội mà còn gặp phải cản trở khi muốn tận dụng cơ hội.... 

Thống kê của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, EVFTA dù mới được đưa vào thực thi từ tháng 8/2020 nhưng tính đến ngày 4/4/2021, hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 đã được cấp đi 27 nước thuộc Liên minh châu Âu, với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
FTA- Đòn bẩy cho xuất khẩu gạo
FTA- Đòn bẩy cho xuất khẩu gạo

Quý I/2021 đã khép lại với tăng trưởng xuất khẩu khả quan, xuất siêu cũng rất ấn tượng. Dù vậy, ngành gạo lại có phần lép vế hơn bởi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 17,4% về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN