Doanh nghiệp giao thông chuyển mình sau tái cơ cấu

Năm 2014, ngành GTVT được đánh giá là ngành dẫn đầu về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước, với 48/143 DN của cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc tái cơ cấu, CPH đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động.

Vinawaco hoạt động chính trong lĩnh vực nạo vét luồng lạch hàng hải, sau CPH trở thành điểm sáng trong sản xuất kinh doanh.


Sau khi chuyển sang mô hình mới, gần như tất cả các DN đều hoạt động hiệu quả hơn. Điều này được minh chứng cụ thể bằng kết quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận và đời sống người lao động.

Tại 10 công ty mẹ - tổng công ty CPH năm 2014, vốn chủ sở hữu tăng hơn 17%, doanh thu tăng hơn 10%, lợi nhuận trước thuế tăng kỷ lục hơn 43%.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) Nguyễn Ngọc Hòa, trước đây, Cienco1 bị bó hẹp thị trường vì chỉ được tham gia đấu thầu xây dựng các công trình vốn Nhà nước và các dự án vốn ODA Nhật Bản.

Sau CPH, Cienco1 đã thoái 100% vốn Nhà nước, tham gia đấu thầu các dự án vốn Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á..., thu về số tiền gần 250 tỷ đồng vốn đầu tư cho các dự án mới.

Doanh thu năm 2014 của Cienco1 đã tăng thêm 500 tỷ đồng (tăng 7,3%) so với năm 2013. Hầu hết người lao động đều có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 1 triệu đồng so với năm 2013.

Tổng Giám đốc Cienco4 Nguyễn Tuấn Huỳnh cho biết: Sau khi CPH, toàn bộ nhân sự trước đây của Cienco4 đều được giữ nguyên, người lao động được trả lương theo năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vai trò của người lao động cũng có sự thay đổi khi họ vừa làm việc cho công ty cổ phần, vừa là chủ sở hữu công ty trên cơ sở đồng vốn góp của mình.

Năm 2014, Cienco4 đã có cơ hội tham gia các dự án lớn như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện..., đem lại nhiều việc làm cho người lao động. Đây là lợi thế rất lớn đối với Cienco4 trong việc mở rộng thị trường, mà nhiều năm trước đây không thể thực hiện được.

Doanh thu của Cienco4 năm 2014 đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2013, thu nhập của người lao động bình quân 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 20% so với năm 2013.

Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), từng ngập trong nợ nần, khiếu kiện và đứng trước nguy cơ phá sản. Nhưng sau khi CPH, đã có nhiều bứt phá. Đầu năm 2015, Vinawaco có vốn chủ sở hữu từ hơn 236 tỷ đồng lên 321 tỷ đồng, doanh thu từ 586 tỷ tăng lên gần 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 16,5 tỷ đồng so với 0,66 tỷ đồng của năm 2013…

Người lao động đều được trả lương trước hạn hàng tháng bình quân khoảng khoảng 7 triệu đồng/người, tăng gần gấp đôi trước đây.

Tương tự, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) năm 2014 đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt từ đường bộ và hàng không giá rẻ, lượng khách đi tàu đường dài sụt giảm mạnh.

Thách thức này buộc VNR phải tái cơ cấu toàn diện, nhằm thu hút khách hàng, trong đó tập trung tăng cường tàu tuyến ngắn, nâng chất lượng phục vụ, bán vé điện tử…


Nhờ vậy, năm 2014, doanh thu của VNR đạt hơn 9.530 tỷ đồng, tăng 4,6%; lợi nhuận dự kiến đạt 180 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2013. Chủ tịch công đoàn VNR Mai Thành Phương cho biết: Tái cơ cấu, VNR đặt vấn đề đảm bảo đời sống và tăng thu nhập cho người lao động là mục tiêu hàng đầu.

Nếu thu nhập giảm sẽ gây tâm lý dao động. Năm 2014, thu nhập bình quân của người lao động VNR đã tăng hơn 7,4% so với năm 2013, khoảng 6,6 triệu đồng/tháng…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, yếu tố quyết định để các DN hoạt động hiệu quả sau tái cơ cấu, CPH chính là nhà đầu tư, doanh nghiệp và người lao động đều thể hiện quyết tâm cải thiện thương hiệu, uy tín và chất lượng của DN bằng sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực thi trên nguyên tắc công khai, minh bạch, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông. Rõ ràng, vai trò của các cổ đông, nhà đầu tư chiến lược đã thực sự làm chủ DN hiện nay.

Ở góc độ quản lý, Bộ GTVT chỉ có trách nhiệm quản lý Nhà nước theo lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với các DN thuộc Bộ hoặc được giao quản lý.

Vì vậy, sau tái cơ cấu, CPH, Bộ GTVT sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các DN tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Dự kiến, trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ cơ bản hoàn thành tái cơ cấu, CPH toàn bộ các DN Nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ.


Tiến Hiếu

Giao thông được mùa... vốn
Giao thông được mùa... vốn

Năm 2014, các công trình sau khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông so với nhiều năm trước đây, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN