Doanh nghiệp dệt may hướng mạnh về thị trường nội địa

Trước đây, các doanh nghiệp (DN) dệt may thường đi bằng “một chân”, tức là chỉ chú trọng vào thị trường xuất khẩu mà ít quan tâm đến thị trường nội địa. Nhưng chính những khó khăn về xuất khẩu trong năm qua và tiềm năng lớn của thị trường nội địa đã khiến nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh hơn cho thị trường nội địa.

­Củng cố vị trí tại “sân nhà”

Mặc dù nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng doanh thu từ thị trường nội địa của các DN dệt may vẫn đang tăng trưởng khá. Tính riêng năm 2011, nhiều DN dệt may có doanh thu từ thị trường trong nước đạt mức 1.000 tỷ đồng trở lên gồm Phong Phú với 2.175 tỷ đồng, Việt Thắng 1.199 tỷ đồng... .

May áo sơ mi tại Tổng Công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị trường dệt may nội địa rất tiềm năng. Chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng thời trang chỉ xếp sau lương thực, thực phẩm. Mỗi người tiêu dùng đã chi từ 150.000 - 500.000 đồng/tháng để mua sắm hàng thời trang, chiếm bình quân 18% chi tiêu hàng tháng. 70% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm thời trang hàng tháng hoặc từ 2 - 3 lần/tháng. Trong đó, người tiêu dùng độ tuổi 20 - 25 và từ 26 - 35 là “mạnh tay” trong mua sắm hàng thời trang nhất.

Phó Tổng giám đốc Vinatex Nguyễn Tiến Trường còn cho rằng, mặc dù người dân phải thắt chặt chi tiêu, nhưng ngành dệt may vẫn có mức tăng trưởng khá, sản phẩm dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa. Điều này chứng tỏ, DN Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc mở rộng thị trường nội địa. Các DN trong ngành dệt may đã tích cực mở rộng thị trường trong nước thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm may mặc và thời trang của ngành dệt may Việt Nam đã có mặt trên mọi vùng miền của đất nước từ thành thị đến nông thôn. Tiêu biểu như hệ thống siêu thị VinatexMart đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam về hàng dệt may với 100% các sản phẩm là hàng Việt. Các tổng công ty lớn của Vinatex như: May 10, Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè... đã xây dựng hơn 1.000 cửa hàng và đại lý tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. “Đặc biệt, trong những năm gần đây, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, các DN trong ngành đã đẩy mạnh công tác thiết kế, xây dựng thương hiệu để có những sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã đẹp để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước”, ông Trường cho biết thêm.

Phải chứng tỏ hàng nội không thua hàng ngoại

May 10 là một trong những DN đã có những thương hiệu thời trang được người tiêu dùng Việt Nam tin dùng. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu phân khúc thị trường phổ thông và thu nhập trung bình khá, hiện nay Trung tâm cung ứng thời trang Khu vực châu Âu và Bắc Mỹ trực thuộc Tổng công ty đang đầu tư phát triển thương hiệu mới cho thị trường nội địa với dòng sản phẩm cao cấp Eternity GrusZ dành riêng cho giới doanh nhân và đối tượng khách hàng có thu nhập khá. “Phát triển thị trường nội địa thông qua việc phát triển thương hiệu mạnh, mở rộng kênh phân phối, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm là giải pháp chiến lược đồng thời là bí quyết thành công của May 10. Các sản phẩm mang thương hiệu May 10 hiện có mặt ở tất cả các kênh phân phối hiện đại với thiết kế thống nhất để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện”, ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành của Tổng công ty May 10 khẳng định.

Trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, việc doanh nghiệp quan tâm phát triển thị trường nội địa được coi là xu thế tất yếu. Nhưng, theo đánh giá của Bộ Công Thương, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn thì mới có thể cạnh tranh tốt hơn với hàng ngoại tại “sân nhà”. Trong đó, các DN nên quan tâm đến việc phát triển mạng lưới bán lẻ rộng khắp hơn, chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp phải có chính sách đầu tư cho các trung tâm thiết kế, mẫu mã, kiểu dáng, các trung tâm thời trang để sản phẩm hợp với xu thế thời trang và thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, DN nên chú trọng nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt may có tính khác biệt, có chất lượng cao.

Một yếu tố quan trọng khác là các DN phải xây dựng được thương hiệu của DN và sản phẩm. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu hàng gia công. “Muốn xây dựng thương hiệu hàng dệt may Việt Nam ở thị trường nước ngoài và nội địa, DN phải xây dựng được công nghệ thời trang dựa trên 5 yếu tố: Thương hiệu, nguyên vật liệu, thiết kế, sản xuất, phân phối”, đại diện vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để khắc phục tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Trường cho rằng: “DN phải thường xuyên tìm hiểu tâm lý thị hiếu người tiêu dùng, định hướng cho người tiêu dùng và phải có những minh chứng chứng tỏ hàng Việt không thua kém hàng ngoại nhập. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thời trang không chỉ bán lẻ các sản phẩm sẵn có mà còn phải làm cầu nối định hướng về thời trang giữa nhà sản xuất và tiêu dùng”.

T.Hường

Xuất khẩu dệt may lộ diện khó khăn
Xuất khẩu dệt may lộ diện khó khăn

Qúy I, tuy hàng dệt may vẫn có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong số các nhóm hàng xuất khẩu của nước ta, nhưng khó khăn cũng đã lộ diện rõ hơn khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm ở ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN