Rừng không chỉ là tài sản thiên nhiên, mà là nhân tố quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tài nguyên rừng đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu CO₂, điều tiết khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã nhận thức sâu sắc về vai trò của rừng và đưa ra nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chống mất và suy thoái rừng.
Đến này, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định quan trọng liên quan đến môi trường rừng như Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật Lâm nghiệp (2017), cùng hàng loạt các nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để triển khai các chính sách về môi trường rừng, tiến tới quản lý rừng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát thải thấp.
Hội thảo là một phần trong kế hoạch năm 2024 của đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO₂ và xây dựng cơ chế chính sách đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai từ năm 2022 đến nay.
Hội thảo đưa ra các giải pháp chống suy thoái rừng, xây dựng bộ chỉ số môi trường rừng và CO₂ rừng; đồng thời, đề xuất khung phương pháp tính toán và hướng dẫn áp dụng. Bộ chỉ số bao gồm các tiêu chí liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và dịch vụ môi trường rừng; cung cấp thông tin về thực trạng, số liệu cần thiết về tình trạng, chất lượng và sự thay đổi của rừng, phục vụ cho việc hoạch định chính sách chiến lược quốc gia về môi trường, chống mất rừng, suy thoái rừng tại các địa phương.
TS. Nguyễn Hoàng Tiệp, Văn phòng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho rằng, cần tiến hành rà soát các quy định của pháp luật hiện có về chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 rừng. Từ đó tổng hợp, phân tích kinh nghiệm của thế giới và tiến tới xây dựng được bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 rừng và khung phương pháp tính toán, hướng dẫn áp dụng.
Hội thảo “Xây dựng chỉ số môi trường rừng và CO₂ rừng” khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng các chỉ số rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng của Việt Nam, giúp đánh giá chính xác hơn những đóng góp của rừng đối với môi trường và kinh tế, trở thành nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với các thách thức môi trường trong tương lai.