Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam Long, năm nay vụ đông ấm ở miền Bắc nên việc sản xuất rau quả rất thuận lợi, nguồn cung nhiều hơn cầu. Tuy nhiên, rau ở miền Trung lại đang đắt gấp 4-5 lần do khí hậu bất lợi, mưa lũ bất thường.
Về việc rau quả Trung Quốc tràn ngập thị trường, GS.VS Trần Đình Long cho rằng đó là hai mặt của một vấn đề. “Thứ nhất là ý thức của thương nhân, thấy rẻ là mua vào “bất cần” xuất xứ. Thứ hai là về quản lý nhà nước chưa có chế tài kiểm soát chặt chẽ. Nếu nhập rau quả Trung Quốc chính ngạch thì có kiểm soát, nhưng nhập đường tiểu ngạch thì không kiểm soát được chất lượng, số lượng. Như vậy là do lỗi quản lý, nhập không theo hợp đồng”, ông Long nói.
Trái cây nhập từ Trung Quốc được lực lượng chức năng kiểm tra. Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN. |
Còn theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay Trung Quốc đã phải nhường vị trí số một cho Thái Lan trong việc xuất khẩu rau quả sang Việt Nam. Thực tế, Việt Nam cũng đang xuất 70% các sản phẩm rau quả sang Trung Quốc. Như vậy, cán cân xuất khẩu rau quả Việt Nam – Trung Quốc vẫn đang nghiêng về phía chúng ta.
“Tuy nhiên, đây là những con số chính thức, xuất khẩu qua đường chính ngạch. Còn tư thương nhập về qua đường tiểu ngạch thì rất khó kiểm soát về chất lượng, số lượng. Công việc này phải do bộ phận hải quan quản lý. Còn việc “nhái”, “đội lốt” hoa quả nội phải do cơ quan quản lý thị trường xử lý”, ông Kỳ cho biết thêm.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay thị trường rau quả do thương lái nhỏ điều tiết. “Lẽ ra, việc điều tiết này phải do Bộ Công Thương điều tiết theo các hệ thống doanh nghiệp tham gia phân phối, tạo nên một “dòng chảy” để phân phối sản phẩm rau quả cho các vùng miền.Ví dụ, rau miền Bắc rẻ thì phải điều tiết cho miền Trung, tổ chức lại thành một thị trường lớn”, GS.VS Trần Đình Long nói.
“Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không thể làm được việc này. Tôi có cảm giác các bên chưa ngồi lại với nhau giữa sản xuất và phân phối, phải liên kết với nhau thành chuỗi, quản lý về chất lượng và số lượng. Tập hợp lực lượng dưới sự kiểm soát của nhà nước, có cơ chế thị trường nhưng do nhà nước điều tiết. Ví dụ., hoa quả Trung Quốc nhập khẩu giả danh xuất xứ hoặc không có hợp đồng có thể bị xử lý.” GS Long cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN&PTNT, rau là mặt hàng dễ hỏng, chi phí vận chuyển khá lớn. Việc vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rất tiện cho khu vực miền Bắc, họ sẽ cạnh tranh trực tiếp bằng giá. Do vậy, khi miền Trung thiếu hụt nguồn cung thì rau quả Trung Quốc có cơ hội.
“Tôi cũng không nghĩ có chuyện tư thương đang liên kết với nhau để dìm giá rau quả Việt Nam, vì thị trường với rất nhiều người buôn bán hiện nay thì khó có thể liên kết để làm giá. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là việc điều phối giữa các vùng với nhau và hệ thống buôn bán, vận chuyển phải xem xét lại. Ngành Công Thương phải vào cuộc điều tiết thị trường. Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương phải cùng vào cuộc”, ông Tuấn cho biết