Diện mạo mới trên Thành phố mang tên Bác

Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại luôn là mục tiêu lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác.

Nhìn lại chặng đường ghi dấu những đổi thay những năm qua và đặc biệt trong năm 2015, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành những công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những công trình này đã và đang mang lại cho người dân thành phố mang tên Bác một cuộc sống chất lượng hơn, hiện đại hơn.

1. Quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) nằm đối diện UBND thành phố mỗi ngày thu hút hàng nghìn người đến vui chơi, nhất là về đêm, cuối tuần và dịp lễ hội được khánh thành vào tháng 4/2015. Đây được xem là tuyến phố đẹp nhất có chiều dài 670 m, rộng 64 m gồm hai phần: Phần công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi) - nơi đặt tượng đài Bác Hồ bằng hợp kim đồng cao 7,2 m trong tư thế khoan thai hướng về phía sông Sài Gòn.

Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi.

Phía sau tượng đài Bác Hồ là tấm bia ghi sự kiện Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ ra mắt nhân dân thành phố sau thành công của Cách mạng tháng 8/1945. Công viên được bố trí hồ sen, 2 hàng sứ trắng cùng nhiều hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu. Phần quảng trường Nguyễn Huệ (từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng) gồm một trục đường đi bộ ở giữa lát đá granite dày 10 cm, hai bên là hai làn đường dành cho phương tiện lưu thông.

Kênh Tân Hóa – Lò Gốm nhìn từ trên cao.

2. Một công trình khác thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh được khánh thành đưa vào hoạt động trong năm 2015 là công trình cải tạo dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm với số vốn hơn 5.000 tỷ đồng sau hơn 3 năm thi công. Với tổng chiều dài gần 9 km, chảy qua 4 quận Tân Bình, Tân Phú, 11 và 6 là một phần mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch của thành phố.

Du khách đang tham quan thành phố trên tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc.

Những năm trước đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ngập úng khi có mưa lớn, triều cường lên cao đã khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Hiện tại, môi trường sống đã hoàn toàn đổi thay khi dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người dân tập thể dục, dạo bước đón không khí trong lành vào những buổi sớm mai bên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm.


3. Tháng 9/2015, TP Hồ Chí Minh đã khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - được xem là tuyến du lịch đường thủy nội đô đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một nỗ lực rất lớn của thành phố nhằm tạo sản phẩm mới, đa dạng, thúc đẩy, nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch. Tuyến du lịch trên kênh này sẽ có lộ trình dài 4,5 km đi qua các địa bàn quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận.

Công trình này đã cải thiện đời sống của người dân thành phố.



TP Hồ Chí Minh rực rỡ về đêm.

Vào dịp xuân về, du khách nước ngoài, người dân thành phố hoặc từ các tỉnh, thành khác ngồi trên những chiếc thuyền xuôi ngược chầm chậm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chiêm ngưỡng và nghe những câu chuyện về những kiến trúc đã gắn chặt với sự hình thành và phát triển của tuyến kênh cũng như lịch sử phát triển của TP Hồ Chí Minh.


4. Sau 3 năm thi công, một đoạn tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã thành hình, chạy dọc theo con đường xa lộ Hà Nội phản ánh sự năng động của thành phố mang tên Bác. 

Một đoạn tuyến metro trên cao đang thành hình, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh trong thềm năm mới 2016.

Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài khoảng 19,6 km với gần 2,5 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Có số lượng ga là 14, depot đặt tại phường Long Bình, quận 9 với diện tích khoảng 27,7 ha với tổng mức đầu tư 2,491 tỉ USD. Dự kiến tuyến số 1 sẽ hoàn thành xây dựng vào vận hành khai thác từ năm 2020. Trong tương lai, tuyến sẽ được kéo dài từ ga Suối Tiên đến tỉnh Bình Dương và đến thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

5. Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có quy mô 657 ha, gồm 5 khu chức năng chính gồm: Khu lõi trung tâm với trung tâm du khách, trung tâm hội nghị, tháp truyền hình, khu giải trí và những không gian đan xen sinh sống, làm việc, giải trí. Khu dân cư phía bắc gồm các cao ốc chung cư cao từ 10 đến 32 tầng với khoảng 50.000 người sinh sống. Khu đa chức năng đại lộ Đông - Tây gồm các công trình cao từ 3 đến 16 tầng. Khu dân cư phía đông tiếp với quận 2 và quận 9 với các chung cư cho khoảng 15.000 người.

Tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ bắt đầu từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng.

Khu ngập nước phía nam gồm khu phục hồi sinh thái, khôi phục rừng tràm, trung tâm nghiên cứu châu thổ, vườn cộng đồng và vườn bách thảo kết hợp hoạt động thương mại. Trong tương lai không xa, khu đô thị mới Thủ Thiêm hoàn thiện sẽ góp thêm niềm tự hào cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.


6. Sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển vượt bậc với việc hàng loạt công trình hạ tầng, nhà cao tầng được đầu tư xây dựng quy mô lớn, hiện đại, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo thành phố. Quy mô và tầm vóc của thành phố ngày càng phát triển mang tính hiện đại ngang tầm với đô thị của các nước trong khu vực. Đón chào năm 2016, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu để xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trung tâm thành phố.


Bài và ảnh: Anh Đức
Rộn ràng không khí đón Tết tại TP Hồ Chí Minh
Rộn ràng không khí đón Tết tại TP Hồ Chí Minh

Hòa chung không khí đón xuân, các khu vui chơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức hàng loạt chương trình nghệ thuật đặc biệt phục vụ khách tham quan trong dịp Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN