Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn cho biết, Việt Nam là quốc gia có quy mô nông nghiệp lớn. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị, với sự xuất hiện của các trang trại hiện đại, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn, cảm biến nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp chưa tạo thành phong trào, chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao. Do đó, Diễn đàn là dịp để các cấp, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân chia sẻ khó khăn, bàn phương hướng hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo.
Diễn ra trong một ngày, tại diễn đàn, đại biểu đã trao đổi các nội dung như: Việc xác định sản phẩm nông nghiệp gắn với thế mạnh từng địa phương để có định hướng phát triển phù hợp; phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân; ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất, thương mại sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực và bán hàng. Các đại biểu cũng nhìn nhận, chuyển đổi số trong nông nghiệp là cần thiết, giúp việc ban hành chính sách và sử dụng nguồn lực được tối ưu hơn; giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 72 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, thuộc các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng. Cùng với đó, tỉnh đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của 49 dân tộc. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất ba sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia.
Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, tỉnh định hướng ưu tiên ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất; phát triển thương mại - dịch vụ nông sản theo hướng bền vững. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, ngành trồng trọt, ngành dịch vụ và tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu…
Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kiên Cường, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, trong xu thế phát triển hiện nay thì mọi lĩnh vực, đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại, yếu tố công nghệ số là yếu tố để phát triển tất yếu, áp dụng dựa vào công nghệ số hiện tại. Doanh nghiệp, nông dân nên cố gắng tìm hiểu, tham gia tập huấn và vận dụng để có kỹ năng, kiến thức áp dụng công nghệ số vào sản xuất và hoạt động thương mại.
Cùng ngày, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn Bảo hiểm nông nghiệp dành cho đại diện Hội Nông dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp và các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp trong nước và quốc tế, cung cấp thông tin các khái niệm chính, quy định, rủi ro và chính sách bảo hiểm nông nghiệp.