Tại hội thảo chuyên đề Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường vốn và thị trường bất động sản có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau phát triển. Rủi ro của thị trường này có thể ảnh hưởng đến phát triển bền vững của thị trường còn lại, do vậy cần có sự đánh giá, nhìn nhận phát triển của cả hai thị trường để có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm rủi ro có thể xảy ra.
Tăng trưởng nhanh, nhưng còn nhiều bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trong giai đoạn 2016-2021, thị trường vốn đã có bước phát triển nhanh, theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. Đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP; trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 16,4% GDP.
Đối với thị trường bất động sản, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11%. Trong số đó, đóng góp của ngành bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%.
Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thị trường vốn, thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được phân tích, làm rõ để khắc phục trong thời gian tới. Đối với thị trường vốn, có thể thấy thị trường phát triển chưa sâu, dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý, ảnh hưởng của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.
Đối với thị trường bất động sản, thời gian qua và gần đây nhất là các vấn đề về giải phóng mặt bằng. Trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm - TP Hồ Chí Minh cho thấy vẫn còn những hạn chế nhất định về quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, thuế, tín dụng, thu tiền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai cũng như các quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản.
Việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường bất động sản nói riêng, do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao thiếu thông tin, kém minh bạch, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, hiệu quả sử dụng vốn thấp và thị trường bất động sản không thuận lợi cũng khiến dòng tiền trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn của doanh nghiệp khó khăn...
"Do đó, cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn...; cho đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gầy đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn như hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng tinh vi, phức tạp. Rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu biết rõ về pháp luật trong đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều. Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế...
Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng của các đợt phát hành chứng khoán để huy động vốn, gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này, đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý, giám sát thông tin tuyên truyền và thực hiện một số điều chỉnh, sửa đổi về mặt chính sách, quy định pháp lý cho phù hợp.
Minh bạch hóa thị trường vốn
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững thị trường vốn, vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung các giải pháp để minh bạch hóa thị trường.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường vốn Việt Nam, với mức định giá cổ phiếu hấp dẫn với P/E chỉ hơn 10 lần, thấp hơn so với nhiều thị trường ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam cần đa dạng nhiều sản phẩm hơn nữa; đồng thời cần cải thiện tính thanh khoản, tỷ lệ giới hạn nhà đầu tư nước ngoài… và đặc biệt là sự minh bạch của thị trường. Nếu thực hiện được những điều này, khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong thời gian tới là rất lớn. Từ đó, có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể tăng thêm 10 tỷ USD.
Ông Devendra Joshi, Chiến lược gia trưởng Tập đoàn Sovico cho rằng, dù thị trường trái phiếu Việt Nam có quy mô còn nhỏ, nhưng cũng phát triển tương tự như các thị trường mới nổi. Để phát triển bền vững thị trường vốn, sự minh bạch thị trường là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Do vậy, trong thời gian tới, thị trường cần có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, có thể định vị định giá trái phiếu Việt Nam.
Đối với giải pháp ổn định thị trường, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới Ủy ban sẽ tiếp tục điều hành thị trường theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Trong số đó, Ủy ban sẽ tập trung vào một số giải pháp chính như tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường theo cường minh bạch, phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường chứng khoán; trong đó tập trung hoàn thành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
"Trước mắt, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực chỉ đạo và phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong việc xây dựng và triển khai, đưa vào hoạt động sàn giao dịch cho các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu và thực hiện công bố thông tin về phát hành và giao dịch trái phiếu trên hệ thống công bố thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường. Đồng thời, tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường trong bối cảnh các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đa dạng, trong thời gian tới, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Công an tăng cường về thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán. Theo đó, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển bền vững…