Điểm sáng thành công từ Nghị quyết 11

Tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định, giá cả hàng hóa những mặt hàng thiết yếu được bình ổn, an sinh xã hội được chú trọng… đó là nhờ nỗ lực kiềm chế lạm phát và cắt giảm chi tiêu công của lãnh đạo TP.HCM trong 7 tháng qua kể từ khi có Nghị quyết số 11/NQ-CP (Nghị quyết 11). Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn tiềm ẩn đòi hỏi thành phố phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.

Giảm chi tiêu công, ổn định an sinh xã hội

Là một thành phố với nhu cầu đầu tư rất lớn về hạ tầng, các công trình phục vụ an sinh xã hội như trường học, bệnh viện; công trình trọng điểm đang được triển khai nhiều nơi... việc hoãn hay dừng đầu tư một công trình là cả một vấn đề cần cân nhắc. Tuy nhiên, trước yêu cầu bức thiết, TP.HCM đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 11, chủ động điều chỉnh cắt giảm đầu tư 92 dự án chưa cần thiết với tổng số vốn điều chỉnh hơn 441 tỷ đồng để tập trung mạnh nguồn vốn cho các dự án cấp bách, chương trình trọng điểm, đặc biệt là quan tâm đầu tư các dự án xây dựng trường học, trạm y tế trên địa bàn quận, huyện.

Khách hàng mua hàng nông sản bình ổn giá. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua việc tạm dừng trang bị mới xe ô tô, mua sắm tài sản có giá trị lớn, không trang bị điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng với số tiền tiết kiệm hơn 212,3 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, TP.HCM đã giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên với tổng số tiền là 196,44 tỷ đồng đến từng cơ quan đơn vị; ngành tài chính kiểm tra, giám sát định kỳ việc thực hiện nhằm bảo đảm tiết kiệm ngân sách...

Mặc dù còn có nhiều khó khăn, nhưng TP.HCM đã thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người nghèo, nhất là diện chính sách, người nghỉ hưu, hộ nghèo, người khuyết tật, công nhân, nông dân, sinh viên và lực lượng vũ trang gặp khó khăn do việc tăng giá điện, nước, xăng dầu; vận động phong trào nhân dân tương trợ, cùng chia sẻ khó khăn… Trong 8 tháng đầu năm, thành phố đã chi gần 275 tỷ đồng chăm lo cho người nghèo, trong đó chương trình an sinh xã hội là 204,2 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” chi hơn 77 tỷ đồng để xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sửa chữa chống dột, trao học bổng, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế, hỗ trợ vốn làm kinh tế…


Tiếp tục kiểm soát tăng trưởng

Thành phố đã gắn công tác bình ổn thị trường với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong 9 tháng qua, thành phố đã triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường đạt kết quả tích cực với lượng hàng hóa dồi dào, phong phú và không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Đến nay, thành phố đã có 3.763 điểm bán bình ổn giá, với các mặt hàng thiết yếu như lương thực – thực phẩm, sữa, thuốc và hàng phục vụ năm học mới...

Với các biện pháp vĩ mô, kinh tế TP trong 9 tháng tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng hợp lý trong điều kiện lạm phát cao mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10%; trong đó khu vực dịch vụ đóng góp 5,63%, khu vực công nghiệp và xây dựng 4,32% và khu vực nông lâm thủy sản 0,06%. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 526.393 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2011, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các ngành, các cấp phải chú trọng tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế; cân đối nguồn vốn đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn; tiếp tục tập trung điều chuyển vốn cho các dự án cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm; đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, không để tăng giá đột biến; tập trung kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường; kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ và hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội ổn định đời sống nhân dân thông qua việc đẩy mạnh công tác giảm nghèo tăng hộ khá, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người nghèo.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 11 hiệu quả hơn, TP.HCM cũng đã đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp để có cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý; xem xét phân loại cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm khai thông nguồn vốn, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng… Theo ông Quân, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai công tác sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; tổ chức thanh tra giám sát, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu ngân sách và mua sắm tài sản công của các cơ quan, đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản.

Phạm Đăng Giới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN