Theo diêm dân, năm nay thời tiết lúc đầu không được thuận lợi vì nắng ít, lại có mưa trái mùa xuất hiện nên người làm muối trên địa bàn huyện còn e dè chưa sản xuất. Nhưng khoảng 10 ngày gần đây, nắng nhiều, thời tiết ổn định nên diêm dân đã đẩy mạnh cải tạo ruộng muối, đưa nước vào để phơi.
Ông Trần Văn Thưa ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải) chia sẻ, các hộ dân trên địa bàn đang tất bật chuẩn bị cho việc cải tạo lại mương nước, chòi canh, kênh dẫn... để chuẩn bị cho niên vụ muối mới. Niên vụ trước, sản lượng cao nên diêm dân ai cũng vui, dù việc tiêu thụ còn chậm và giá chưa được cao.
Những năm qua, việc tiêu thụ của diêm dân nói chung vẫn còn gặp khó khăn do các thương lái thường liên kết với nhau, ép giá muối thương phẩm, khiến cho chính vụ giá không cao. Diêm dân cũng khó tiếp cận với thương lái ở các địa phương khác. Do vậy, diêm dân mong muốn được hỗ trợ khâu tiêu thụ. Cùng đó, hỗ trợ việc xây dựng các sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) về muối và bạt trải để chuyển từ muối trên nền đất truyền thống sang nền trải bạt. Qua đó, giúp nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của hạt muối - ông Trần Văn Thưa bày tỏ.
Ông Phan Chí Tâm, diêm dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) cho rằng, về lâu dài, các cấp ngành, địa phương cần có cơ chế thúc đẩy giá muối ổn định để đời sống diêm dân bớt khó khăn. Nhất là cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông để dễ giao thương và thúc đẩy nâng cao giá trị hạt muối.
Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Tổng số hộ sản xuất muối năm 2024 trên địa bàn là 777 hộ, với hơn 800 lao động.
Năm 2024, việc sản xuất muối của các hộ dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thuận lợi nhờ nắng nóng kéo dài. Sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 76.000 tấn (huyện Đông Hải trên 67.000 tấn và huyện Hòa Bình trên 9.000 tấn), vượt hơn 300% so với kế hoạch, tăng gần 50.000 tấn so với niên vụ 2022 - 2023; trong đó, sản lượng muối sản xuất theo phương pháp trải bạt là 252 ha. Năng suất trung bình đạt gần 48 tấn/ha (đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 74 tấn/ha (đối với muối trải bạt).
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Phạm Văn Mười cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen sang phương thức sản xuất muối trắng trải bạt, nhất là đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết và thực hiện tốt bảo vệ môi trường.
Cùng đó, tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng muối; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị giữa diêm dân và doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là xây dựng các mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để bảo tồn, nâng tầm giá trị hạt muối và phát triển nghề muối theo hướng bền vững, địa phương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” từ ngày 6 đến 8/3.
Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ góp phần đưa hạt muối Việt Nam nói chung và hạt muối Bạc Liêu nói riêng phát huy và nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhất là đối với diêm dân, sự kiện trên sẽ giúp nghề muối được đánh giá đúng giá trị; đánh dấu một quá trình nghề muối dù trải qua nhiều thăng trầm, được vinh danh và chú trọng.