Dịch vụ giữ hộ vàng có thu phí bắt đầu nở rộ khi thời hạn 30/6/2013 chấm dứt huy động và cho vay vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tới gần. Website của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhan nhản quảng cáo dịch vụ giữ hộ vàng miếng (chủ yếu là vàng SJC và PNJ) với mức phí rất tượng trưng, thậm chí khách hàng còn được hưởng lãi suất theo kỳ hạn gửi.
Lãnh đạo một NHTM tại Hà Nội có dịch vụ giữ hộ vàng cho biết, Nhà nước vẫn công nhận quyền nắm giữ vàng của người dân, nhu cầu cất trữ và đầu tư vàng trong dân dù có giảm nhưng vẫn còn. Do đó, các NHTM triển khai dịch vụ giữ hộ vàng nhằm giúp khách hàng bảo quản tài sản bằng vàng một cách an toàn. Hơn nữa, giữ hộ vàng cũng phù hợp với việc nhiều NHTM được NHNN cấp phép cho mua bán vàng và kinh doanh vàng miếng.
Giữ hộ vàng được hiểu là trên nguyên tắc két sắt, chứ không phải một hình thức huy động vốn bằng vàng. Nhưng qua tìm hiểu thực tế, thì phần lớn hợp đồng giữ hộ vàng có các điều khoản rất lập lờ; cụ thể chỉ ghi ngân hàng có trách nhiệm trả lại người gửi loại vàng đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng và đúng thời gian khách hàng yêu cầu; chứ không quy định ngân hàng có trách nhiệm trả cho khách hàng đúng miếng vàng (qua seri) mà khách hàng đã gửi. Điều đó không loại trừ, số vàng mà khách hàng gửi sẽ không nằm trong két sắt của ngân hàng, mà sẽ được các ngân hàng làm dịch vụ này quay vòng (bán ra lúc giá vàng cao, mua vào trả khách hàng ở thời điểm giá vàng xuống thấp). Hay nói cách khác, vàng của khách hàng sẽ không nằm yên một chỗ, mà được các ngân hàng đưa vào kinh doanh sinh lời!!!
Theo một lãnh đạo NHNN, mục tiêu của NHNN là chống vàng hóa trong các giao dịch. Việc giữ hộ vàng phải dựa trên nguyên tắc đó, không được biến tướng và đặc biệt không được sử dụng vốn vàng của người gửi để kinh doanh. Thế nhưng, diễn biến thực tế cho thấy, quy định của NHNN đã không được các NHTM thực hiện nghiêm. Một chuyên gia lĩnh vực tài chính, tiền tệ cho biết, với cách thức mà các NHTM đang triển khai, thì thực chất việc giữ hộ vàng chỉ là “bình mới rượu cũ”, một kiển “lách luật” của dịch vụ huy động chứng chỉ bằng vàng trước đây. Nếu không sớm được chấn chỉnh, thì thị trường vàng sẽ tiếp tục chứa đựng bất ổn nếu giá vàng thế giới tăng mạnh, cùng lúc nhiều người gửi rút vàng ra để bán và đầu tư sang lĩnh vực khác. Khi đó không còn cách nào khác buộc ngân hàng phải mua lại vàng trong dân bằng mọi giá để trả người gửi, từ đây có thể dấy lên những đợt “sóng ngầm” và tạo ra những cơn sốt giá vàng trên thị trường.
Sẽ là nguy cơ khi dịch vụ giữ hộ vàng bung ra quá mạnh mà thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Yến Nhi