Dịch COVID-19: Chặn nguy cơ mất cân đối xuất nhập khẩu

Trước tình hình dịch COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương đã nhanh chóng bắt tay cùng các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đa dạng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. 

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã khiến một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhất là nông-thuỷ sản chịu tác động rõ rệt. Tính chung 2 tháng đầu năm, có 8/9 mặt hàng trong nhóm nông - thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến trong quý I, xuất khẩu nông - thủy sản qua thị trường Trung Quốc có thể giảm từ 12 - 13% so với cùng thời điểm 2019.

Chú thích ảnh
Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Không những thế, “sức khoẻ” của một số ngành như dệt may, da giày, sắt… cũng không mấy khả quan bởi kim ngạch xuất hàng dệt và may mặc giảm 1,7%; xơ, sợi dệt các loại, giảm 16,5%; sắt thép các loại, giảm 33,9%; sản phẩm từ sắt thép, giảm 7,9%...

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dịch COVID-19 tác động mạnh đến các khía cạnh của hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu; trong đó, nhóm mặt hàng chịu tác động lớn nhất là nông sản vì các biện pháp chống dịch được triển khai ở phía Trung Quốc nên cửa khẩu đã có sự hạn chế giao thương.

Do vậy, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn và Lào Cai, trao đổi, đàm phán với phía bạn để từng bước giải tỏa ách tắc. Theo ông Trần Thanh Hải, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nếu có thể kiểm soát được trong quý I thì những tác động vẫn có thể kéo dài đến hết quý II.

Vì vậy, để chặn nguy cơ mất cân đối về xuất nhập khẩu, việc tìm kiếm thị trường thay thế để hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường đã được Bộ Công Thương lên kế hoạch. Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng sẽ có những thay đổi kịp thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới.

Ông Trần Thanh Hải cũng phân tích thêm, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam và về lâu dài, đây vẫn thị trường trọng điểm bởi sự thuận lợi về khoảng cách địa lý khiến chi phí vận chuyển và thời gian đáp ứng nguồn hàng ngắn.

Thời gian qua Việt Nam cũng đã khai thác hiệu quả các thị trường lớn như: Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand.

Vì vậy, khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi, Bộ Công Thương đã có những kế hoạch cụ thể để mở rộng thị trường mới nhưng không bỏ quên thị trường truyền thống.

Tuy nhiên, do đặc tính hàng nông sản không để được lâu, nên những thị trường gần với Việt Nam như ASEAN và các nước khu vực Đông Á vẫn được chú trọng để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và ngăn chặn nguy cơ mất cân đối trong xuất nhập khẩu.

Hơn nữa, mỗi ngành hàng với đặc trưng khác nhau sẽ có những vấn đề tồn tại cần giải pháp tháo gỡ khác nhau, thậm chí cần cả một chiến lược dài hơi để có thể tự tin đứng vững trước biến động thị trường.

Ở thời điểm trước mắt, để khơi thông xuất khẩu, ngăn chặn từ xa nguy cơ mất cân đối xuất nhập khẩu, tùy vào từng ngành hàng cụ thể, Bộ Công Thương đã nhanh chóng bắt tay triển khai những giải pháp.

Cụ thể,với nhóm ngành hàng nông - thủy sản, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản", nhằm đảm bảo ổn định thị trường đầu ra cho ngành nông sản; phối hợp và hỗ trợ các địa phương tìm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nông-thủy sản và các mặt hàng chế biến, chế tạo; có biện pháp kiểm soát lượng cung và chỉ tiến hành sản xuất hướng đến thị trường Trung Quốc nếu có đơn hàng và hướng tiêu thụ cụ thể…

Với các nhóm ngành khác, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã nhanh chóng tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, làm việc với hiệp hội ngành hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

Đặc biệt, Bộ cũng tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa; xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc cũng như tìm thị trường thay thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể về hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu cho từng lĩnh vực, từng khu vực thị trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Mặt khác,  yêu cầu Thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đó, một số thương vụ đã trở thành cầu nối cung cấp, kết nối thông tin về các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế để phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, phục vụ nhu cầu trong nước cũng như chia sẻ về những rào cản để doanh nghiệp tránh được những rủi ro đáng tiếc.

Uyên Hương (TTXVN)
Xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu bắt đầu sôi động
Xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu bắt đầu sôi động

Theo Bộ Công Thương, đến ngày 8/3, tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã xuất được 859 xe, nhập trên 780 xe, còn tồn trên 1.100 xe, toa hàng hóa chờ thông quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN