Dịch bệnh phát sinh trên cây trồng tại Đồng Nai do mưa trái mùa

Từ cuối năm 2016 đến nay, dù đang là mùa khô song tại Đồng Nai mưa liên tục xuất hiện. Mưa nhiều làm tăng độ ẩm trong đất, không khí, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh trên cây xoài, điều.

Thời tiết bất thường cùng với dịch bệnh khiến năng suất nhiều loại cây ăn trái ở Đồng Nai giảm từ 40 - 60% so với vụ trước.

Gia đình ông Lê Viết Nam (xã Xuân Hưng, huyện Xuân lộc, tỉnh Đồng Nai) có 3 ha xoài. Những năm trước, vào mùa khô, xoài của gia đình ông Nam phát triển tốt, không có sâu bệnh. Năm nay, do mưa nên toàn bộ diện tích xoài của ông Nam đều bị sâu lông vàng, bệnh thán thư, rầy, bọ trĩ.

Bệnh thán thư xuất hiện trên cây điều khiến hoa đen cháy. Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Ông Nam cho biết: “Tôi trồng xoài đã gần 15 năm, đây là năm đầu tiên thấy sâu lông vàng xuất hiện trên toàn bộ diện tích xoài của gia đình; mật độ sâu rất lớn, dày đặc. Loài sâu này ăn bông xoài, xoài ra bông là chúng tập trung tàn phá, cắn nát. Tôi đã dùng nhiều loại thuốc để diệt, nhưng do số lượng sâu lông vàng đông, sinh sôi nhanh nên diệt không xuể. Sâu bệnh nhiều khiến năng suất xoài của gia đình tôi năm nay chỉ bằng 40% so với những năm trước”.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Chi cục Trưởng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, những loại cây cần nhiều nước tưới như: Lúa, cà phê, hồ tiêu… thì những trận mưa trái mưa vừa qua rất tốt, giúp cây phát triển. Với cây như xoài, điều, chôm chôm, măng cụt, do mưa trùng vào thời điểm cây đang ra hoa khiến hoa bị rụng, không thể đậu trái. Những năm trước, ở Đồng Nai vào mùa khô sâu bệnh ít xuất hiện trên cây trồng, năm nay mưa nhiều tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 40.000 ha điều, trong đó có khoảng 5.000 ha nhiễm bệnh thán thư, bọ xít muỗi, bọ trĩ. Toàn tỉnh có hơn 11.500 ha xoài, một nửa diện tích này bị rầy bông, thán thư, sâu lông vàng. Với cây chôm chôm, sầu riêng, hồ tiêu, dù chưa ghi nhận dịch bệnh, song người dân cần theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển, ra hoa, đậu trái của cây.

Ông Sinh cho rằng, diện tích xoài đã có trái nhưng nhiễm bệnh, bên cạnh sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật, nông dân cần áp dụng biện pháp bao trái nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Với số xoài bị sâu bệnh làm rụng hoa, rụng trái, bà con không nên kích cho ra hoa tiếp mà nên tỉa cành, tạo tán, chuẩn bị để cuối mùa khô xử lý cho ra hoa vụ sớm 2017. Nếu thời điểm này, nông dân kích xoài ra hoa thì vụ thu hoạch sẽ rơi vào tháng 5 - 6/2017, đây là thời điểm Thái Lan và Cam puchia cũng thu hoạch loại trái cây này, giá bán nhiều khả năng xuống thấp, ngoài ra xoài thường bị ruồi đục trái, vi khuẩn gây hại nặng.

Dù dịch bệnh trên các loại cây trồng đang diễn biến phức tạp, song ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất hướng tới mục tiêu “nông nghiệp bền vững”. Nông dân phải hết sức cẩn trọng, xem xét việc tác động đến môi trường khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - không nên coi thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác là giải pháp duy nhất. Để phòng trừ sâu bệnh, người dân cần thực hiện tỉa bỏ cành, trái bị sâu bệnh, bón phân cân đối, sử dụng các biện pháp thủ công nhằm loại bỏ sinh vật gây hại.

Công Phong (TTXVN)
Sinh vật gây hại hàng nghìn ha lúa và cây trồng tại Huế
Sinh vật gây hại hàng nghìn ha lúa và cây trồng tại Huế

Thời tiết diễn biến thất thường ở Thừa Thiên - Huế đang tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật, nhất là ốc bươu vàng phát triển mạnh, gây hại cho hàng nghìn ha lúa Đông Xuân 2016 - 2017 và cây trồng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN