Theo đó, nếu cho phép phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SI hoạt động tuyến cửa Tiểu, cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sẽ rút ngắn khoảng cách hơn 40 km, giảm hơn 6 giờ chạy tàu, tăng khả năng khai thác của tàu container thêm một lớp.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, với phương án này sẽ giảm khoảng 20% chi phí logistics đường thủy so với tuyến truyền thống.
Tại khu vực phía Bắc, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đề xuất cho phép phương tiện VR-SI chạy ven biển, tuyến cửa Văn Úc, cảng Lạch Huyện, để thay thế tuyến vận tải truyền thống qua các sông, kênh nội thành Hải Phòng bị vướng tĩnh không cầu.
Với phương án tàu chạy VR-SI ven biển sẽ rút ngắn khoảng 30 km và giảm khoảng 4-5 giờ chạy tàu, tăng khả năng khai thác, xếp thêm được một lớp container. Qua đó có thêt giảm khoảng 20% chi phí logistics đường thủy so với tuyến truyền thống.
Trước đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tham mưu Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp nâng cấp các dịch vụ, thủ tục, thuế phí, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải đường thủy giữa Việt Nam và Campuchia.
Về phía các địa phương, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị giải quyết các tồn tại, vướng mắc về thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan, kiểm dịch thực vật và thời gian làm việc tại cửa khẩu đường thủy quốc tế.
Theo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa 7 tháng năm 2024 đạt 315,7 triệu tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, vận tải container bằng đường thủy trên hành lang 1, tuyến Hải Phòng - Bắc Ninh đạt 35 chuyến/tuần, gấp hơn 10 lần so với thời điểm đầu mở tuyến năm 2018; hành lang 2, tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình đạt 4 chuyến/tuần, cỡ sà lan 36 Teus.