Theo Bộ Tài chính, dù số thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm nay bằng 39,8%, đạt khá so với dự toán nhưng số thu hàng tháng có xu hướng giảm. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó do đơn hàng sụt giảm, thiếu vốn, vì vậy cần có sự hỗ trợ để có thể duy trì sản xuất, kinh doanh.
Do đó, Bộ Tài chính đã xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái sản xuất, vượt qua những khó khăn trước mắt, cũng như tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.
Với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế, sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%, áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Dự kiến thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng.
Ông Trương Ngọc Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn cho biết, chính sách giãn thuế, giảm thuế là việc làm thiết thực giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời ổn định sản xuất trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, để doanh nghiệp sớm ổn định và phát triển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc công ty chuyên về vận tải tại Hà Nội, chính sách này là liều vaccine trợ giúp cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Công ty sẽ có thêm nguồn vốn để mua thêm máy móc tăng cường hoạt động kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách giãn thuế, giảm thuế là việc làm thiết thực, có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và cũng là nguồn vốn mồi giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời ổn định sản xuất.
Ông Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính cho rằng, việc miễn, giảm và gia hạn thời hạn nộp một số sắc thuế sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn tiền để chi trả lương cho công nhân; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc mong muốn đây sẽ là “cú hích”, chia sẻ động viên tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển vì nếu doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế cũng sẽ phát triển, chính sách tài khóa ngày càng vững mạnh. “Vì vậy, các chính sách của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cùng với chính sách miễn, giảm, hoãn nợ thuế, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn sớm được hoàn thuế giá trị gia tăng để có thêm nguồn vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty 12-11 Hạ Long cho biết, từ tháng 5/2022 đến nay, doanh nghiệp chưa nhận được đồng tiền hoàn thuế nào. Số tiền này đã lên tới trên 100 tỷ đồng. Trong khi xuất khẩu khó khăn, hàng tồn kho cao, doanh nghiệp chỉ mong sớm nhận được số tiền của chính doanh nghiệp đã nộp để có thể trang trải trả lương cho công nhân.
Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty LD Woodland cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp có hồ sơ còn tồn đọng chưa giải quyết được hoàn thuế thậm chí chậm từ 1 - 2 quý so với quy định.
Theo Luật hiện hành quy định, ngành thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau.
Tổng cục Thuế cho biết, việc hoàn thuế VAT đối với các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn có vướng mắc. Vì vậy cơ quan thuế đang hướng dẫn sửa đổi, bổ sung quy định để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, tại Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập trong việc chậm trễ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.