Lý giải nguyên nhân
Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát để ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt hành trình tham gia giao thông. Thời hạn đã cận kề, nhưng còn rất nhiều doanh nghiệp chưa lắp.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), thời gian qua, Tổng cục đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải theo đúng lộ trình quy định. Song, do diễn biến dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Tổng cục đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là sau khi đợt dịch lần thứ 4 ập đến bất ngờ.
Đến thời điểm này, phương tiện kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp tại nhiều địa phương vẫn phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng sản lượng vận tải qua từng tháng, đặc biệt là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có tuyến vận tải khách cố định đi/đến các địa phương này.
Qua tìm hiểu, bên cạnh các doanh nghiệp vận tải đã hoàn thành lắp đặt camera giám sát và cho thấy hiệu quả tích cực mang lại như: Kiểm soát được hành vi của lái, phụ xe, tăng hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ... thì vẫn còn đa số doanh nghiệp do thiếu kinh phí, chần chừ lắp đặt để "ngóng chờ" kiến nghị lùi thời gian xử phạt của cơ quan chức năng trước bối cảnh dịch bệnh.
Anh Cao Bá Hùng, lái xe của doanh nghiệp vận tải Đồng Lợi, Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp có hơn 50 đầu xe, mặc dù hiểu rõ lợi ích của camera phục vụ quản lý vận tải là chủ trương đúng để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, người lao động còn bị nợ lương, trong khi chi phí lắp đặt camera khoảng 6 triệu đồng/xe, sẽ khiến doanh nghiệp phải phát sinh gần 300 triệu đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đơn vị lắp đặt, nhưng đang chờ kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về lùi thời hạn xử phạt lắp camera mới thực hiện...
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trước sau quy định này vẫn phải thực hiện. Việc lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, nhất là bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc lắp camera giám sát sẽ giúp các cơ quan chức năng truy vết nguồn lây nhiễm virus SARS-Cov-2, các ca nhiễm bệnh, góp sức đẩy lùi đại dịch.
Lùi xử phạt đến bao giờ?
Theo rà soát của Bộ GTVT, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP (từ ngày 1/4/2020), Sở GTVT các địa phương đã yêu cầu, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này đến nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến không đảm bảo tiến độ xong trước ngày 1/7/2021 như quy định của Nghị định 10.
Để tiếp tục thực hiện Nghị định 10 và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 58/2021 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị Chính phủ cho phép chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 100/CP đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải.
Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31/12/2021 chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo. Từ ngày 1/1/2022 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.
Đối với xe vận tải hành khách, từ nay đến hết ngày 30/6/2022 chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên. Từ ngày 1/7/2022 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.
"Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải khắc phục khó khăn, thực hiện lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo theo quy định của Nghị định số 10, để góp phần tăng cường theo dõi, giám sát lái xe, bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải", đại diện Bộ GTVT cho hay.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đã quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về camera giám sát đối với lái xe và doanh nghiệp. Điều 24 của Nghị định này quy định xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera trong quá trình xe tham gia giao thông. Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung buộc phải lắp đặt camera trên xe; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera theo quy định.