Chúng ta còn nhớ, vào năm 2009, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Gần một thập kỷ qua đi, thực hiện cuộc vận động này, chúng ta đã làm được nhiều việc.
Sơ kết 5 năm thực hiện cuộc vận động, kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa ra con số: 92% người tiêu dùng được hỏi “quan tâm” và “rất quan tâm” đến cuộc vận động, 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên hàng Việt Nam.
Kết quả khảo sát của Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích hàng Việt chiếm tới 51% và thường xuyên mua hàng Việt chiếm tới 60%. Đây là những con số rất đáng khích lệ.
Nhưng kết quả khảo sát được thực hiện vào năm 2018 lại cho thấy các tỷ lệ này đang giảm đi, phản ánh tình trạng hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng ngoại nhập dưới tác động mạnh mẽ của các Hiệp định thương mại tự do và sự hiện diện ngày càng nhiều các kênh phân phối hiện đại của nước ngoài trên thị trường nội địa.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một yêu cầu sống còn là làm sao có thể tiếp tục giữ vững thị trường nội địa và vươn ra thị trường thế giới. Yêu cầu đó đòi hỏi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải được tiếp sức và song hành với một cuộc vận động khác không kém phần quan trọng, thậm chí giữ vai trò quyết định là “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Tâm thế của các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái chủ động hơn. Chinh phục người tiêu dùng Việt Nam là con đường duy nhất để các thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Chúng ta đã có những tấm gương tiên phong trong cuộc chinh phục mới này: Công nghệ viễn thông Viettel, các khu đô thị hiện đại Vinhomes, các thương hiệu thực phẩm chế biến như Vinamilk, TH Truemilk, Bia Sài Gòn, Vinacafe Biên Hòa, một số thương hiệu thủy sản và gạo Việt… Nhưng những thương hiệu như vậy còn ít ỏi và trong lĩnh vực chế tạo, chúng ta vẫn chưa thực sự có được những thương hiệu lớn và có sức cạnh tranh quốc tế.
Ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô… suốt bao nhiêu năm vẫn chưa thoát khỏi “phận gia công”. Sự trình làng của thương hiệu ô tô Việt Nam đầu tiên – VinFast trong năm qua đã làm nức lòng những người yêu và tâm huyết với hàng Việt. Sự kiện này mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng: “Việt Nam có thể đi tắt đón đầu!”.
Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành chỉ thị số 07 ngày 5/3/2018 giao cho VCCI phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp dẫn đầu và các Bộ ngành phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” để chuyển trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân sang một tâm thế mới.
Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” thực chất là cuộc vận động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và thương hiệu Việt. “Made in Việt Nam” và “Made by Việt Nam” – sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam, để phục vụ cho đồng bào mình và vươn ra thị trường thế giới. Cuộc vận động phải triển khai một cách toàn diện: từ nhận thức tới nâng cao năng lực, xây dựng nền tảng văn hóa, đổi mới công nghệ, nâng cấp quản trị, tăng cường kết nối, tổ chức công tác tiếp thị và phân phối... Đây là yếu tố sống còn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.
Việc xây dựng những thương hiệu hàng đầu là sự nghiệp của các doanh nhân. Nhưng các doanh nhân rất cần bệ đỡ và sự đồng hành của các cơ quan Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Chúng tôi mong Chính phủ sẽ tiếp tục những nỗ lực cải cách để mở đường cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.
Chúng tôi cũng mong quan hệ đối tác công - tư (PPP) sẽ không chỉ là giải pháp để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là một giải pháp để xây dựng thương hiệu dẫn đầu trong các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Các chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô như VinFast đang xây dựng rất đáng là những dự án hợp tác công - tư cần cho đất nước.