Dù đạt được nhiều thành tích đáng kể, nhưng đánh giá chung, công tác giảm đói nghèo của Việt Nam chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Một trong những nguyên nhân là việc xác định hộ nghèo dựa trên thu nhập hiện nay là chưa phù hợp. Vì vậy, việc đưa ra tiêu chí giảm nghèo đa chiều đang được coi là giải pháp để giải quyết tình trạng này. Nghèo nhiều mặtBộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng tiêu chí đo lường nghèo đa chiều. Theo đó, ngoài tiêu chí về thu nhập, còn có 5 tiêu chí cơ bản: Y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội.
Anh Phan Thanh Dũng, từng một trong những hộ nghèo tại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM). Nhờ vay vốn nuôi bò và trồng cỏ, gia đình anh Dũng thu nhập 13-20 triệu đồng/tháng và đã thoát nghèo. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN
|
Để triển khai việc này, Bộ LĐTBXH cùng các đơn vị chức năng, tiến hành đo lường nghèo đa chiều tại 10 tỉnh thành. Kết quả cho thấy, việc tiếp cận với những dịch vụ xã hội cơ bản ở từng vùng, miền còn khá nhiều thiếu thốn. Cụ thể, ngay ở khu vực đô thị vẫn có những bộ phận dân cư, dù có mức thu nhập trên ngưỡng nghèo, nhưng vẫn đang phải sống trong các điều kiện thiếu hụt về nhà ở, điện, nước…
Hơn 10 năm nay, mọi sinh hoạt của gia đình anh Phan Tuấn Anh, gồm 3 thành viên (Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), chỉ gói gọn trong căn phòng 12 m2. Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi có hộ khẩu tại quận Phú Nhuận, khi lập gia đình, vì nhà ở chật, nên vợ chồng con cái tôi ra thuê nhà trọ ở quận Gò Vấp. Thu nhập trung bình của gia đình khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Dù đã tích góp nhưng 10 năm nay gia đình tôi vẫn phải sống trong căn nhà trọ chật chội chỉ với 12 m2. Thế nhưng, theo tiêu chí nghèo hiện nay, gia đình tôi vẫn chưa được xếp vào diện nghèo”.
Kết quả khảo sát của quận 11 (TP Hồ Chí Minh) về nghèo đa chiều cũng cho thấy, tại quận 11 có khoảng 2.579 hộ gia đình không bị nghèo thu nhập như anh đình anh Phan Tuấn Anh, nhưng bị nghèo đa chiều, hầu hết bị thiếu hụt về bảo hiểm y tế và bảo hiểm lao động, khiến họ dễ bị rủi ro khi gặp biến cố về sức khỏe và thu nhập. Khoảng 90% số hộ gia đình không được sống trong các ngôi nhà kiên cố, 70% có ít nhất một người lớn trong độ tuổi 15 -30 chưa hoàn thành bậc học THCS.
“Tồn tại” của thành thị là vậy, còn ở các vùng nông thôn, miền núi, thì vấn đề của “nghèo đa chiều” còn đa dạng hơn rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Lâu (xã Ôn Lương, Phú Lương, Thái Nguyên) cho rằng: “Với chính sách giảm nghèo như hiện nay, nhiều hộ không muốn thoát nghèo để mong hưởng chính sách của Nhà nước. Chính vì vậy, việc bình xét hộ nghèo trong xã thường khó khăn. Ở khu vực nông thôn, miền núi, người dân còn thiếu rất nhiều về các tiêu chí liên quan điều kiện sống (nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh), khả năng tiếp cận trợ giúp xã hội”.
Rà soát theo đặc điểm từng vùngTheo kết quả triển khai chương trình giảm nghèo từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8 - 2%/năm; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014). Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hằng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (VPQGGN), chuẩn nghèo hiện được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu khi giải quyết tình trạng nghèo về lương thực thực phẩm, áp dụng trong tình hình hiện nay dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng, nhận diện nghèo và phân loại đối tượng chưa chính xác. Do vậy, việc xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều sẽ bảo đảm đời sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội. Việc khảo sát các hộ nghèo theo đa chiều sẽ có vai trò quan trọng cần tập hợp số liệu quan trọng và khách quan để từ đó mới có chính sách phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố chỉ có khoảng 0,56% vừa nghèo thu nhập vừa nghèo đa chiều, nhưng có đến gần 10,8% hộ không nghèo thu nhập nhưng nghèo đa chiều. TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức điều tra khảo sát, lập danh sách và số lượng hộ nghèo đa chiều về các mặt: giáo dục, y tế, nhà ở... tại 4 quận, huyện, gồm quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh. Trong đó mỗi địa phương chọn từ 1 - 2 phường, xã thực hiện thí điểm các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các đối tượng này. Công tác giảm nghèo đa chiều tại 4 quận huyện trên sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh từ năm 2016.
Theo Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), khi tiến hành khảo sát hộ nghèo theo phương pháp thu nhập tại tổ 17 phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình chỉ có 2/123 hộ nghèo, chiếm 1,6%. Tuy nhiên, bằng phương pháp cho điểm dựa các tiêu chí nghèo đa chiều thì địa phương này có 32 hộ nghèo (chiếm 26,02%). Tương tự tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có 125 hộ; trong đó, có 73 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, khi khảo sát theo phương pháp đa chiều dựa trên tài sản và đặc điểm hộ gia đình thì có 77 hộ nghèo (chiếm 61,6%)... |
Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội, phương pháp đo lường hộ nghèo theo thu nhập còn một số hạn chế, nhiều hộ có xu hướng khai thu nhập thấp, nhiều nơi vẫn còn tình trạng "chạy hộ nghèo" để hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều hộ có khoản thu nhập không thường xuyên và mang tính thời vụ nên việc đo lường thu nhập trực tiếp đặc biệt khó khăn. Qua xem xét số liệu ở 10 tỉnh, chỉ có khoảng 10% hộ khai báo thu nhập chính xác ở mức chuẩn nghèo hoặc chuẩn cận nghèo. Theo nhận xét của các chuyên gia, với phương pháp xác định nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, đây là cơ hội để đưa ra chính sách giảm nghèo phù hợp hơn trong bối cảnh mới, theo hướng gọn đầu mối, tập trung nguồn lực hướng vào đối tượng thụ hưởng để tạo sự tác động rõ nét, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với các nhóm đối tượng, các vùng miền.
“So sánh các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục có tỷ lệ khá cao nhưng thiếu về việc tiếp cận điều kiện nhà ở, dịch vụ xã hội cao; trong khi đó tại các tỉnh miền Tây, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thường rơi vào việc thiếu tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục… Do đó, việc phân loại chi tiết các tiêu chí giảm nghèo sẽ định hướng cho địa phương tập trung vốn ưu tiêu vào những dịch vụ xã hội còn thiếu để việc giảm nghèo bền vững”, ông Ngô Trường Thi cho biết.
Xuân Minh - Đan Phương