Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh thực hiện đẩy nhanh tiến độ, giải ngân theo kế hoạch dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hậu Giang (Dự án thành phần 3).

Chú thích ảnh
Thi công cầu Xà No Km103+251.71, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thuộc địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, chủ đầu tư, các đơn vị tham gia dự án xây dựng kế hoạch chi tiết để kiểm tra giám sát, tăng cường năng lực thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” để bù đắp lại phần khối lượng chậm, đảm bảo hoàn thành sản lượng theo kế hoạch và đảm bảo giải ngân nguồn vốn đã bố trí.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tập trung triển khai các công trình cầu, đảm bảo hoàn thành ít nhất 70% khối lượng các cầu trên tuyến; chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan liên hệ nắm chặt tình hình về nguồn vật liệu cát, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện thiết bị, hệ thống kiểm tra, kiểm soát quá trình khai thác và hành trình di chuyển của phương tiện vận chuyển để nhanh chóng đưa cát về công trường.

Chủ đầu tư rà soát, nắm chắc tình hình về trữ lượng, công suất của các mỏ cát đang phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia trong khu vực, chủ động liên hệ hoặc tham mưu cấp thẩm quyền làm việc để đề xuất điều phối nguồn vật liệu từ các dự án khác còn dư công suất chưa khai thác hết. Nhất là chủ động liên hệ chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bến Tre để hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác cát nhanh nhất có thể.

Cùng với đó, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra giám sát, phối hợp tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống chảy nổ.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022, với chiều dài hơn 188 km. Dự án có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91, tỉnh An Giang; điểm cuối kết nối với Quốc lộ Nam Sông Hậu (dự kiến giao với đường dẫn vào cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

Dự án đi qua 4 địa phương gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng và được phân chia thành 4 dự án thành phần và được Thủ tướng Chính phủ giao cho 4 địa phương làm cơ quan chủ quản. Theo đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang (từ Km94+400 đến Km131+082) là dự án thành phần 3, phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 đi qua địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc 2 huyện là Châu Thành A và Phụng Hiệp; có 1.150 hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 260 ha. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường cho 1.150/1.150 hộ bị ảnh hưởng và đã bàn giao mặt bằng 1.150/1.150 hộ, đạt 100%.

Dự án thành phần 3 phân chia thành 2 gói thầu xây lắp để tổ chức triển khai; trong đó, gói thầu số 1 khởi công vào ngày 17/6/2023; gói thầu số 2 khởi công ngày 29/11/2023. Đến cuối tháng 11/2024, sản lượng thực hiện đạt 1.400/5.421 tỷ đồng, đạt 26% giá trị hợp đồng và dự kiến đến 31/12/2024 đạt khoảng 1.929/5.421 tỷ đồng, đạt 36% giá trị hợp đồng.

Tin, ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)
Thi công 'nước rút' Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua Quảng Trị
Thi công 'nước rút' Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua Quảng Trị

Nhà thầu đã và đang thi công “nước rút” Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị, để dự án về đích vào ngày 30/4/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN