Việc gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng trong năm qua giải ngân chậm đã khiến người dân và doanh nghiệp nản lòng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ảnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những giải pháp của Bộ nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này trong năm nay.
PV: Thưa Thứ trưởng, trong năm qua, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội giải ngân rất chậm. Tính đến cuối năm 2013, tức là sau 6 tháng triển khai, gói này mới chỉ giải ngân được chưa đầy 2%. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Trước hết, phải khẳng định, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng không nhằm mục tiêu giảm tồn kho bất động sản (BĐS) cao cấp mà để hỗ trợ những đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp, thời gian vay dài để mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Việc giải ngân gói tín dụng này ngoài việc giúp cho những đối tượng có thu nhập thấp được đáp ứng nhu cầu về nhà ở, còn hỗ trợ tăng cầu, tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường BĐS, giúp giảm tồn kho vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người lao động...
Thực tế, sau khi triển khai gói tín dụng này, thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực. Giao dịch tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở quy mô nhỏ, trung bình. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, tồn kho BĐS giảm khoảng 25% so với đầu năm 2013. Tuy còn khó khăn nhưng rõ ràng thị trường BĐS đã ấm dần lên.
Tính đến ngày 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 13 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng; trong đó giải ngân cho 7 doanh nghiệp với số tiền 304 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng cam kết cho 1.764 khách hàng cá nhân vay với số tiền 632 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 1.750 khách hàng với dư nợ 428,5 tỷ đồng. Như vậy, việc giải ngân đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội còn rất chậm.
Thị trường BĐS được dự báo sẽ ấm dần trong năm 2014. Tuấn Anh – TTXVN |
PV: Vậy nguyên nhân của việc giải ngân chậm này là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện nên không tránh khỏi vướng mắc. Muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nhiều căn hộ nhà ở xã hội hoặc căn hộ nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Cả nước hiện cần khoảng hơn 1 triệu căn nhà xã hội, riêng TP Hồ Chí Minh cần 134.000 căn, Hà Nội cần 111.000 căn. Đó là chưa kể đến nhu cầu về nhà ở của những đô thị lớn như Đồng Nai, Bình Dương, những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ... Tuy vậy, việc phát triển nhà xã hội là một quá trình dài hạn, phải hoàn thiện những yêu cầu về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, quy hoạch và giấy phép, vì thế cũng cần có thời gian.
Trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác đầu tư dự án nhà ở xã hội, cũng như xem xét chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và tiêu chí cho vay theo Nghị quyết 02.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác là do một số ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ triển khai cho vay còn quá thận trọng, dẫn đến chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng vay vốn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để được vay vốn ưu đãi thì sau khi có văn bản giới thiệu của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp ngoài việc thực hiện một số thủ tục như: ký bản ghi nhớ với ngân hàng, cung cấp các hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp và hồ sơ dự án để ngân hàng xem xét, đánh giá, thẩm định thì họ còn bị các ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục khác không cần thiết, khiến thời gian giải ngân bị kéo dài.
PV: Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp gì để góp phần khắc phục những vướng mắc nêu trên, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Để khắc phục những vấn đề bất cập trên, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) thực hiện các giải pháp như sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…
Chúng tôi cũng đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và có quy trình thống nhất để các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này.
Năm 2014 được dự báo chưa hết khó khăn với thị trường BĐS. Tuy nhiên, với các giải pháp đang thực hiện, với những chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, tôi tin thị trường BĐS sẽ tiếp tục ấm lên, góp phần tạo ra sự phát triển chung của nền kinh tế.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Dương (thực hiện)