Quỹ Tín dụng đào tạo nhằm đẩy mạnh đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước, được thành lập theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg, ngày 2/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ, đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển công tác giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp, tạo điều kiện giúp học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo, khó khăn theo đuổi ước mơ học tập.
Làm thủ tục cho HSSV vay vốn thông qua hộ gia đình tại xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). |
Tính từ thời điểm Chính phủ ban hành Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg, chính sách tín dụng đối với HSSV đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với thực tế nhu cầu vay vốn của HSSV nghèo trong cả nước. Đặc biệt, đối tượng thụ hưởng của chương trình đã được mở rộng đáng kể và mức tiền vay cũng từng bước được điều chỉnh tăng lên. Theo Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ bao gồm HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên. Tính đến cuối tháng 9/2007, chương trình đã cho gần 102.000 HSSV vay vốn, với tổng số tiền là 298 tỷ đồng.
Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg, theo đó, đối tượng thụ hưởng chương trình được mở rộng hơn, gồm: HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo.
Trong 5 năm qua, triển khai chương trình tín dụng cho HSSV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, bình quân mỗi năm Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã cho vay 8.000 tỷ đồng, riêng năm 2009, là năm đạt dư nợ cao nhất với 9.400 tỷ đồng. Theo ước tính của NHCSXH, đến năm 2016 sẽ hoàn thành chu kỳ cho vay vòng một để hoàn trả tiền gốc cho ngân sách Nhà nước. Hiện mức cho vay đối với một HSSV là 1 triệu đồng/tháng, lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Chương trình nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, các địa phương và đã giúp đỡ hàng triệu HSSV vượt qua khó khăn về mặt tài chính để tiếp tục học tập.
Đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay HSSV Để có đủ nguồn vốn và không tạo áp lực về nguồn vốn cho vay học kỳ I năm học 2012 - 2013 tới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đồng ý cấp 2.500 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay HSSV từ nguồn vốn Chương trình PRSC 10. (Theo Công văn số 4933/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ) |
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV là cơ cấu nguồn vốn tín dụng của chương trình còn bị động, chủ yếu là vốn tạm vay, tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, vốn huy động qua các kênh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Do đó vào những thời điểm cần tập trung vốn giải ngân cao như vào đầu năm học, đầu kỳ học, NHCSXH đã phải nỗ lực rất lớn nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV.
Theo ước tính tổng nguồn vốn quay vòng phục vụ chương trình tín dụng cho HSSV giai đoạn 2012 - 2015 vào khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước dự kiến cấp là 16.000 tỷ đồng; nguồn vốn cần huy động khoảng 34.000 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh để cho HSSV vay mới chỉ đạt 16.000 tỷ đồng, trong thời gian tới cần huy động thêm 18.000 tỷ đồng cho chương trình. Như vậy, công tác huy động nguồn vốn vẫn là bài toán khó hiện nay.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra nhiệm vụ: "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo", trong đó "Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục". Chương trình tín dụng HSSV được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương trên. Vì vậy, nguồn vốn của chương trình cũng cần được huy động theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm".
Việt Hải