Đầu tư tuyến dẫn nước sông Đà: Cần 'chọn mặt gửi vàng' - Bài cuối

Tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Đầu tư cho các dự án cấp nước đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa nguồn vốn cho các dự án cấp thoát nước được xem như một lựa chọn tối ưu.


Ở giai đoạn triển khai, dự án nước sông Đà lựa chọn nhà đầu tư theo hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa, thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh), sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Sau khi dự án hoàn thành, nhà máy nước hoạt động tốt nhưng đường ống dẫn thì có vấn đề.


Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng cũng không nên vì thế mà giao toàn quyền cho chủ đầu tư “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trường hợp của Vinaconex thời gian qua khiến chất lượng công trình không đảm bảo. Với các công trình có mức độ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân thì nên tính toán kỹ về năng lực của cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu theo kiểu “chọn mặt gửi vàng” và cho dù dự án sử dụng nguồn vốn nào thì cũng phải được giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của Luật Xây dựng mới vừa được Quốc hội thông qua.

Nước sinh hoạt đã được cấp trở lại tại các hộ dân ở quận Thanh Xuân, chiều 15/7. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN


Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh cũng khẳng định, ngoài việc đảm bảo cấp nước cũng phải tính toán đến yếu tố nguồn lực và hiệu quả kinh tế. Trước mắt phương án được ưu tiên hơn cả là sẽ xây dựng ngay đường ống nước mới bởi theo quy hoạch thì sau này trên tuyến Đại lộ Thăng Long sẽ phải xây dựng tổng cộng 4 đường ống cấp nước, ông Thịnh cho hay. Tuy nhiên, tuyến đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2 sẽ được thành phố tăng cường giám sát; trong đó đặc biệt xem trọng chất lượng vật liệu sử dụng để bảo đảm sự ổn định khi truyền dẫn với nguồn nước áp lực cao, tránh những sự cố vỡ đường ống nước như thời gian vừa qua.

Về phía Vinaconex cũng cho biết đang nghiên cứu để xây dựng tuyến ống số 2 với phương án sử dụng đường ống thép, công nghệ Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có tuyến ống nước “cấp cứu” để khi đường ống hiện nay vỡ thì đường ống “cấp cứu” sẽ phát huy tác dụng. Nhưng cả hai phương án này đều đang phải cân nhắc kỹ đến hiệu quả kinh tế. Để khắc phục các yếu điểm của giai đoạn I, Tổng giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà dự kiến giai đoạn 2 của đường dẫn nước sông Đà sẽ sử dụng ống kim loại có độ bền cao hơn và đạt tiêu chuẩn về nước sạch. Hiện Vinaconex cũng đã thu xếp tín dụng cho dự án tuyến ống số 2 và có thể khởi công ngay trong tháng 9 tới. Trong đó, Vinaconex đã tính đến phương án có thể thi công trước 10 km (đoạn thường xuyên xảy ra sự cố) trong khoảng thời gian 4 tháng, ông Hà cho hay.

Có một thực tế đang đặt ra là giá thành nước sạch hiện vẫn thấp hơn so với chi phí sản xuất nên các doanh nghiệp thuộc nhóm này vẫn đang được bù giá để cân bằng. Với doanh nghiệp như Vinaconex, số tiền bù lỗ mỗi năm ước tính khoảng 50 tỷ đồng bởi giá thành sản xuất nước sạch của đơn vị này cao hơn so với giá bán ra. Trong khi đó, với 9 lần sửa chữa sự cố vừa qua, số tiền chi phí cũng lên tới khoảng 10 tỷ đồng.

Trong kết luận của Bộ Xây dựng về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng cũng đã khẳng định: Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. Với kết luận này thì các khoản kinh phí Vinaconex chi cho việc sửa chữa sự cố đường ống nước sẽ được tính toán như thế nào? Liệu giá nước có đang phải gánh cả những chi phí của những đợt sửa chữa vừa qua và khoản tiền này có nằm trong con số báo lỗ để hưởng bù giá của thành phố hay không? Đây vẫn là những câu hỏi mà người dân chờ giải đáp.


Thu Hằng

Vinaconex và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chất lượng đường ống nước Sông Đà
Vinaconex và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chất lượng đường ống nước Sông Đà

Kể từ tháng 12/2012 đến nay, tuyến ống dẫn nước Sông Đà do Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư đã 9 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN